Với tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, một trong những biện pháp giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế là đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đây cũng là nội dung của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy, nhưng ước giải ngân 4 tháng năm 2021 chỉ đạt 86.000 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.
Nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sẽ không có chuyển biến, thậm chí có thể thấp hơn năm 2020. |
“Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm, có đến 31 bộ, cơ quan Trung ương vẫn chưa giải ngân kế hoạch, tạo áp lực giải ngân rất lớn trong thời gian tới; đồng thời, thách thức lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn nước ngoài mới đạt 0,66% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (4,99%),” Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Do đó, nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sẽ không có chuyển biến, thậm chí có thể thấp hơn năm 2020.
Chỉ ra nguyên nhân chậm giải ngân trong những tháng đầu năm, lãnh đạo Kế hoạch và Đầu tư cho hay, chủ yếu vẫn là do các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 và làm thủ tục kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 sang năm 2021.
Cùng với đó, tháng 2/2021 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, theo một số nhà thầu, việc chậm giải ngân còn do điểm nghẽn đền bù giải phóng mặt bằng. Thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và giải ngân vốn, đặc biệt là về đất đaivà thủ tục hành chính.
Để nâng cao hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động, thường xuyên theo dõi, rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2021. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn nhằm giải ngân hết số vốn được giao.
Cùng với đó, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, chịu trách nhiệm: rà soát, xử lý ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, định mức, suất đầu tư…
Bên cạnh đó, gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021.
“Các cấp, các ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ngăn chặn kịp thời các vi phạm về lấn chiếm, sử dụng đất trái phép gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Cùng với đó, Bộ này đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong hệ thống các quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời xem xét giải quyết, tháo gỡ.
Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và tình hình quản lý, cấp, sử dụng đất đai tại một số địa phương để kịp thời đánh giá những bất cập hiện nay trong lĩnh vực này, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với Bộ Tài chính đánh giá, tính toán khả năng giải ngân vốn nước ngoài năm 2021 phù hợp với thực tế, kịp thời kiến nghị hướng xử lý.
Ngoài ra, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn nước ngoài, chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ giải ngân, hiệu quả thực hiện vốn nước ngoài, không để tình trạng trả lại vốn như các năm trước.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Bộ Tài chính cần hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trong ngành kịp thời xử lý các đơn rút vốn, thanh toán vốn đầu tư công trong thời gian sớm nhất ngay khi nhận được đề xuất của các cơ quan liên quan; đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, đúng quy định.
Bạch Hân