LỜI TOÀ SOẠN

Ngày 13/10/2024 là kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. 20 năm qua là quãng thời gian đủ để khu vực doanh nghiệp tư nhân vươn mình trỗi dậy thành một thanh niên trẻ, tràn đầy khát khao và năng lượng để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của quốc gia. 

Từ chỗ bị kỳ thị coi là giai cấp bóc lột trong quá khứ, giới doanh nhân đã chính thức có được một ngày để tôn vinh như nhiều ngành nghề khác. Đa số doanh nhân hiện nay đều xuất phát với hai bàn tay trắng lúc khởi nghiệp và giờ đây, họ trở thành những ông bà chủ, tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra nhiều việc làm nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần đó đã giảm sút trong những năm gần đây, từ những đợt phong tỏa do dịch Covid-19, từ tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm” của bộ máy. 

Tinh thần kinh doanh cần phải được xốc lại, khát khao làm giàu cần phải được lan tỏa, sự sợ hãi cần được chấm dứt. Hơn hết, sau các thập kỷ qua, giới doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự thích nghi, linh động và sức chống chịu bền bỉ để trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. 

Họ chắc chắn là trụ cột trong tiến trình thực hiện mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045 của đất nước. 

Nhân ngày 13/10, VietNamNet đăng tải tuyến bài để cổ vũ tinh thần kinh doanh và chia sẻ với doanh nhân những khó khăn, rào cản hiện tại để hướng đến “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhanh và bền vững.

Trên thực tiễn, Việt Nam phát triển doanh nghiệp tư nhân từ con số không khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng và thực hiện. Tới nay, hành trình đó đã đi được một quãng đường 38 năm (1986-2024).

Cũng với độ dài thời gian như vậy, Nhật Bản đã xây dựng và phát triển nền kinh tế dựa trên sức mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ thế giới, kinh doanh tại nhiều quốc gia. Người dân bình thường cũng có thể chỉ ra 10 tập đoàn hoạt động có tín nhiệm của Nhật Bản như Sony, Panasonic, Canon, Toyota, Hitachi, Sumitomo, Mitsubishi, Fujitsu...

Cũng với quãng thời gian 38 năm, Hàn Quốc đã tạo ra được những tập đoàn kinh tế hùng mạnh với mô hình Chaebol, đưa kinh doanh ra khắp các châu lục như Samsung, Huyndai, Posco, Kia, LG...Còn Việt Nam, trong 40 năm Đổi Mới đến nay có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 5 triệu hộ kinh tế gia đình, vài chục doanh nghiệp triệu USD, khoảng một chục tập đoàn vài tỷ USD như Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, Vinamilk...
 

Doanh nhan 1.jpg
Các doanh nhân tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: VGP

Trên tổng thể, với thời gian 38 năm sau chiến tranh, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hóa “Rồng”. Còn Việt Nam với nỗi truân chuyên bị cấm vận 10 năm (1986-1995), và trước đó 10 năm nữa (1975-1986) nên chưa thể hóa “Hổ”. Khu vực kinh tế tư nhân hầu như là vừa và nhỏ dù đã đóng góp tới 46% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 85% lao động xã hội.

Nỗi truân chuyên của khu vực kinh tế tư nhân không chỉ đến từ cấm vận mà còn từ những trở lực chưa vượt qua được của Việt Nam trong Đổi Mới.

Thứ nhất, trở lực trong quan niệm về kinh tế tư nhân. Trước thời điểm bắt đầu Đổi Mới (1986), Việt Nam không có kinh tế tư nhân, kéo theo không có doanh nhân bởi chỉ có doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã. Từ điểm xuất phát bất lợi này, Việt Nam phải mất nhiều năm trong Đổi mới mới thu phục được nhân tâm toàn xã hội, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, theo đó thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ hai, trở lực về thể chế đối với khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, điển hình và không thể không kể tới là Luật Đất đai. Luật đầu tiên được ban hành trong thời kỳ Đổi Mới là Luật Đất đai năm 1987, trong đó có quy định về việc Cấm mua bán đất (Điều 5).

Tiếp đó, Luật Đất đai năm 1993 lần đầu tiên đã đặt toàn bộ đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đến Luật Đất đai năm 2003 lần đầu tiên giao Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Hiến pháp năm 2013 đã chính thức hiến định những thể chế lần đầu tiên về đất đai trong các luật trên đây.

Đất đai có tầm quan trọng là loại bất động sản mẹ của tất cả các loại bất động sản trên đất. Khu vực kinh tế tư nhân đã không thể nào vượt qua được những khó khăn về đất đai trong suốt 38 năm qua. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hình thành và phát triển trong lĩnh vực bất động sản, đã thành đạt nhưng cũng không ít trường hợp để lại các di chứng mà chúng ta đang phải giải quyết đến nay vẫn chưa kết thúc.

Thể chế về đất đai là khâu yếu nhất trong toàn bộ hệ thống Đổi mới của Việt Nam suốt 38 năm qua. Việc sửa bổ sung luật này đã diễn ra năm lần bảy lượt, đến nay vẫn còn cần phải tiếp tục.

Thứ ba, trở lực về chỉ đạo điều hành trong cơ chế tổng thể về “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đối với khu vực kinh tế tư nhân, sự lãnh đạo của Đảng bằng đường lối, chủ trương, thể chế chính trị - xã hội đã có những đổi mới hết sức quan trọng và nhất quán, nhưng quản lý nhà nước chưa đạt được mức đồng bộ.

Trong độ vênh này, với hệ thống 4 cấp hành chính, càng ở cấp gần dân nhất càng bị vênh nhiều, dễ thấy nhất là thủ tục hành chính đã có bộ phận biến thành “hành dân”; ngày càng thêm nhiều “giấy phép con”. Suy thoái biến chất đã hình thành và phát triển tại các cấp gần dân nhất, kéo theo suy thoái biến chất của một số cán bộ cấp trung ương.

Hơn 5 triệu hộ kinh tế gia đình, hơn 2 triệu doanh nghiệp tư nhân cứ mãi mãi là nhưng đơn vị kinh tế vừa và nhỏ còn là do lỗi của hệ thống phân cấp giữa Trung ương và địa phương.

Đối với cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, hiện tại đang có tới 63 đầu mối. Hầu như tất cả các đầu mối này đều yêu cầu có cơ chế riêng, chính sách đặc thù thì mới phát triển được. Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ đáp ứng được yêu cầu đó thì làm sao doanh nghiệp tư nhân từ nhỏ tiến lên vừa và từ vừa tiến lên lớn được.

Về trở lực này, một mặt phải giảm thiểu về số lượng các đầu mối cấp tỉnh trực thuộc Trung ương. Mặt khác, phải phân cấp mạnh cho cấp tỉnh để cấp này có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phát triển các doanh nghiệp tư nhân thoát khỏi tình trạng vừa và nhỏ, không phải xin - cho giữa trung ương - địa phương.

Trong sự phân cấp đó, Trung ương cần trao cho cấp tỉnh được có thêm những điều kiện về đầu tư công để cấp này chủ động đầu tư từ ngân sách cấp tỉnh nhằm dẫn dắt đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Nếu người đứng đầu cấp tỉnh là Ủy viên trung ương Đảng thì việc phân cấp mạnh và trao thêm quyền trên đây cần được coi là không có gì quá đáng so với phân cấp về chính trị. Về vấn đề này, cần ưu tiên đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước, trong đó tập trung tất cả các nguồn thu vào ngân sách trung ương. Sau đó, Trung ương phân bổ cho ngân sách cấp tỉnh một mức ổn định trong 5 năm, cùng với mức khuyến khích cần thiết hàng năm.

Việc này không có gì mới bởi Trung ương cũng đã phân bổ như vậy cho các bộ và cơ quan trung ương. Quan trọng hơn, xóa đi những mặc cảm của những địa phương “nghèo”, chưa đóng góp được gì vào ngân sách trung ương lại còn liên tục xin trợ cấp.

Thứ tư, trở lực về đưa doanh nghiệp tư nhân đạt tới cấp Chaebol như Hàn Quốc, hoặc cấp tập đoàn như Nhật Bản. Người Hàn Quốc cho rằng nếu không có một người như Park Chung Hee thì Hàn Quốc không thể có những Chaebol.

Với Việt Nam, phù hợp với thể chế lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, việc phát triển doanh nghiệp tư nhân tương đương với cấp độ cao nhất ở Nhật Bản và Hàn Quốc thì phụ trách vấn đề này phải đích thân là Thủ tướng với sự giúp việc của Bộ trưởng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan. Đây không chỉ là việc riêng của các doanh nhân, mà còn là việc quốc gia ở cấp cao nhất, tương đương với việc thành lập và phát triển các tập đoàn nhà nước.

Từ những thành công lẫn thất bại gặp phải trên các chặng đường truân chuyên, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã chứng tỏ trên thực tiễn là một lực lượng không thể thiếu trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để có được những đại thành công của cách mạng Việt Nam qua các Kỷ nguyên Độc lập, Kỷ nguyên Đổi mới.

Nếu "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể nói đã và đang là một phần quan trọng, một phần động lực của đất nước đầy tự hào này.

Việt Nam đang chuẩn bị tinh thần và nghị lực, ý chí và sức mạnh để tiến vào Kỷ nguyên vươn mình như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã công bố trước diễn đàn Liên Hợp quốc vừa qua. Hơn bao giờ hết, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ rũ bỏ mọi nỗi truân chuyên trong quá khứ để bật dậy trong Kỷ nguyên vươn mình.

Cần đội ngũ doanh nhân lớn mạnh

Cần đội ngũ doanh nhân lớn mạnh

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương là một trong những tác giả chính của Luật Doanh nghiệp. Nhân ngày doanh nhân, ông chia sẻ những phân tích đáng suy ngẫm về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Máy bay cất cánh phải có gia tốc ở giai đoạn lấy đà

Máy bay cất cánh phải có gia tốc ở giai đoạn lấy đà

Kinh tế cất cánh cũng như máy bay, không thể chạy tà tà rồi mới cất cánh. Máy bay phải có gia tốc để trong vòng 1 cây số là cất cánh, nếu không được thì xuống hố. Với một nền kinh tế, hố là bẫy thu nhập trung bình.
‘Việt Nam ước tính có 20 tỷ phú’

‘Việt Nam ước tính có 20 tỷ phú’

Tổng tài sản của 12 tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam được ước tính khoảng 70 tỷ đô la, chỉ bằng tài sản của một tập đoàn nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn “nghèo” so với thế giới.
Nghịch lí của doanh nghiệp

Nghịch lí của doanh nghiệp

Vì sao với năng lực “chống chịu” hiếm có nhưng đa số doanh nghiệp Việt mãi “chậm lớn” dù họ là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành nội lực, quyết định phát triển nền kinh tế Việt Nam như Đảng xác định?!