LỜI TOÀ SOẠN

Ngày 13/10/2024 là kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. 20 năm qua là quãng thời gian đủ để khu vực doanh nghiệp tư nhân vươn mình trỗi dậy thành một thanh niên trẻ, tràn đầy khát khao và năng lượng để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của quốc gia. 

Từ chỗ bị kỳ thị coi là giai cấp bóc lột trong quá khứ, giới doanh nhân đã chính thức có được một ngày để tôn vinh như nhiều ngành nghề khác. Đa số doanh nhân hiện nay đều xuất phát với hai bàn tay trắng lúc khởi nghiệp và giờ đây, họ trở thành những ông bà chủ, tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra nhiều việc làm nhất cho cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần đó đã giảm sút trong những năm gần đây, từ những đợt phong tỏa do dịch Covid-19, từ tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm” của bộ máy. 

Tinh thần kinh doanh cần phải được xốc lại, khát khao làm giàu cần phải được lan tỏa, sự sợ hãi cần được chấm dứt. Hơn hết, sau các thập kỷ qua, giới doanh nhân Việt Nam luôn thể hiện sự thích nghi, linh động và sức chống chịu bền bỉ để trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế. 

Họ chắc chắn là trụ cột trong tiến trình thực hiện mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045 của đất nước. 

Nhân ngày 13/10, VietNamNet đăng tải tuyến bài để cổ vũ tinh thần kinh doanh và chia sẻ với doanh nhân những khó khăn, rào cản hiện tại để hướng đến “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhanh và bền vững.

Một chặng đường dài của kinh tế tư nhân

Các tầng lớp doanh nhân Việt Nam chịu nhiều thăng trầm trong quá khứ. Sau Đổi Mới, khi thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, các doanh nhân mới bắt đầu xuất hiện.

Năm 1990 là điểm khởi đầu của quá trình phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày nay. Đó là thời điểm mà sự tồn tại, hoạt động và phát triển của doanh nghiệp tư nhân được thừa nhận chính thức về mặt pháp lý. Đó cũng là thời điểm các khoản bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước cơ bản bị bãi bỏ, các xí nghiệp quốc doanh được chuyển đổi thành doanh nghiệp nhà nước, được tự chủ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc thị trường.

Đến năm 2011, doanh nghiệp tư nhân được xác định là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế và gần đây mới được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế.

IMG_D5809F36C93E 1.jpg
TS Nguyễn Đình Cung: Nền kinh tế muốn độc lập, tự chủ và phát triển bền vững phải có đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững vàng và phát huy được hết sự năng động, sáng tạo của tư duy.

Về luật pháp, quyền tự do kinh doanh là một bước tiến dài. Từ lúc kinh doanh chui, đến lúc được kinh doanh những gì mà Nhà nước cho phép, rồi được kinh doanh những gì Nhà nước không cấm, tiến tới được tự do kinh doanh những gì luật pháp không cấm. Ngày nay, quyền tự do kinh doanh đã được mở rộng, phát triển và đảm bảo cho kinh doanh an toàn hơn.

Hơn 30 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên tục phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành lực lượng “trung tâm” của nền kinh tế.

Thống kê cho thấy, sau 25 năm phát triển, đến năm 2016 có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động, gấp 17 lần so với năm 1999. Đến nay có gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.

Kết quả này, so với mục tiêu phát triển Nghị quyết 10 năm 2017 đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động và 1,5 triệu đến năm 2025, đã không thể đạt được.

Nhiều nơi có mật độ chỉ 1 doanh nghiệp/1000 dân

Tuy phát triển khá nhanh, nhưng số lượng doanh nghiệp chưa nhiều, mật độ doanh nghiệp còn rất thấp, và phân bố không đồng đều theo địa phương, vùng kinh tế xã hội cũng như theo ngành kinh tế.

Về phân bố doanh nghiệp theo vùng kinh tế, hơn 70% số doanh nghiệp đang hoạt động tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Mật độ doanh nghiệp/1000 dân trong độ tuổi lao động chỉ hơn 9/1000. Mật độ này ở phần lớn các địa phương còn quá thấp, thậm chí có nơi chỉ 1 doanh nghiệp/1000 dân và 3/1000 dân trong độ tuổi lao động.

Về phân bố doanh nghiệp theo ngành kinh tế, khoảng 70% số doanh nghiệp hoạt động trong 3 ngành, cụ thể là công nghiệp chế tác, chế tạo (khoảng 16%), xây dựng (khoảng 14-15%), dịch vụ bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy (khoảng 37%). Số doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ chất lượng, giá trị gia tăng cao (như dịch vụ logistics, hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo và vui chơi, giải trí …) rất thấp.

Về quy mô và loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm khoảng gần 70%, doanh nghiệp nhỏ khoảng 25%, còn lại doanh nghiệp quy mô vừa 3,5% và doanh nghiệp lớn 2,6%.

Doanh nghiệp càng nhỏ càng lỗ

Số lượng doanh nghiệp chưa nhiều. Tốc độ gia tăng số doanh nghiệp đang hoạt động hàng năm là không cao và đang giảm dần. Vì vậy, các mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động theo mốc thời gian đều không đạt được và khoảng cách đến mục tiêu ngày càng xa dần.

Đại bộ phận (gần 70%) là doanh nghiệp siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp vừa là cầu nối giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Chỉ 40% số doanh nghiệp tư nhân trong nước kinh doanh có lãi trong khi đó, tỷ lệ này ở khu vực FDI là 50% và doanh nghiệp nhà nước khoảng 80%. Khoảng 47% doanh nghiệp FDI khai báo kinh doanh thua lỗ. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nhà nước tương ứng là hơn 50% và 20%.

Xét về quy mô, chưa đầy 30% số doanh nghiệp siêu nhỏ khai báo có lãi; gần 2/3 số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hơn 70% số doanh nghiệp lớn khai báo kinh doanh có lãi. Ngược lại, khoảng 55% doanh nghiệp siêu nhỏ, hơn 1/3 số doanh nghiệp nhỏ, hơn 1/4 số doanh nghiệp vừa và gần 1/4 số doanh nghiệp lớn khai báo kinh doanh thua lỗ.

Như vậy, có thể nói, doanh nghiệp quy mô càng lớn, thì khả năng kinh doanh có lãi càng cao, có sự khác biệt rất lớn giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và các doanh nghiệp quy mô còn lại trong khả năng tồn tại trên thị trường. Hiệu quả kinh doanh trên tất cả các chỉ số của doanh nghiệp nhóm này nói chung rất thấp (thường bằng 0 hoặc âm). Tức là, phần đông doanh nghiệp siêu nhỏ không bảo toàn được vốn, không thể tự tích lũy để tái đầu tư.

thep Hoa Phat Dung Quat (113).jpg
Nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất. Ảnh: Hoàng Hà

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trong nước trên tất cả các chỉ số là thấp hơn nhiều (chỉ bằng 20-60%) so với doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong các ngành dịch vụ như hoạt động chuyên môn, y tế, giáo dục và đào tạo, vui chơi giải trí… thấp, chỉ khoảng 20%. Hiệu quả kinh doanh (theo tất cả các tiêu chí) của các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ nói trên cũng thấp, đa số thua lỗ, không bảo toàn được vốn.

Bên cạnh đó, ngoại trừ vùng Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi ở 5 vùng còn lại đều giảm. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ở Tây Nguyên, Bắc Trung bộ Duyên hải miền Trung rất thấp so với các vùng khác. Đặc biệt, doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ đang suy giảm trên tất cả các mặt.

Doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện đang yếu thế so với doanh nghiệp FDI, yếu cả về hội nhập và năng lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Nền kinh tế tự chủ cần doanh nghiệp mạnh

Nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, sẽ tiếp tục mở ngay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực được dự báo là sẽ có biến động khó lường hơn. Vì vậy, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và có sức chống chịu đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Giai đoạn này, tâm trạng của nhiều doanh nghiệp tư nhân đang chùng xuống. Thế hệ doanh nhân Việt Nam đầu tiên xuất hiện vào những năm đầu 1990, thế hệ thứ hai là vào những năm 2000. Họ đang già đi và nhiều doanh nghiệp không tìm được ai để chuyển giao. Con cái họ đã đủ tiền để sống cho mấy đời sau, không ít người ra nước ngoài. Thế hệ con cái thấy bố mẹ từng quá vất vả nên rất khó chấp nhận đi lại con đường đó. Đây là dấu hiệu đáng cảnh báo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tướng gặp doanh nhân tháng 10 20204
Thủ tướng gặp gỡ các đại diện doanh nghiệp sáng ngày 4/10. Ảnh: Quốc Tuấn
 

Nền kinh tế muốn độc lập, tự chủ và phát triển bền vững phải có đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững vàng và phát huy được hết sự năng động, sáng tạo của tư duy.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển nhiều về số lượng, đa dạng về ngành nghề, quản trị tốt, năng động, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh cao… là một trong các yếu tố quyết định sức chống chịu của nền kinh tế.

Bởi vì, cộng đồng doanh nghiệp là động lực tăng trưởng cao bền vững, tạo công công ăn việc làm tốt và ổn định cho người dân, tạo nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước cũng như đóng góp chủ yếu vào các quỹ dự trữ quốc gia. Cuối cùng, doanh nghiệp tư nhân cũng là động lực cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau các biến động lớn, bất thường từ bên ngoài.