Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường được gọi là sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, việc một người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ xác định người đó là chủ sở hữu đối với đất.

Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, người đứng tên trên sổ đỏ được hưởng các quyền lợi sau:

- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

- Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

{keywords}
Nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ tức là trao toàn quyền đối với bất động sản cho người đó có thể phát sinh nhiều rủi ro (Ảnh minh hoạ)

- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

- Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

- Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

- Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

- Được chuyển đổi, mua bán, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Như vậy, trường hợp nhờ người khác đứng tên trên sổ tức là đang trao toàn quyền đối với bất động sản cho người đứng tên hộ, rất dễ mất trắng tài sản hoặc dẫn đến tranh chấp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ là hành vi trái pháp luật. Về mặt pháp lý, người được nhờ đứng tên trên Giấy chứng nhận được Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng/sở hữu đối với nhà, đất, trong khi thực tế họ không phải là chủ sở hữu thực sự của nhà đất.

Thực tế cuộc sống cho thấy, vì một số lý do, không ít người thay vì tự đứng tên sổ đỏ đã nhờ người khác đứng tên hộ. Vậy nếu đã nhờ người khác đứng tên sổ đỏ, khi muốn lấy lại mảnh đất đó phải làm thế nào?

Trước tiên, bạn cần tiến hành thỏa thuận với người được nhờ đứng tên hộ về việc chuyển quyền sử dụng đất (sang tên Gấy chứng nhận quyền sử dụng đất) từ người đó sang bạn. Nếu người đó đồng ý, hai bên có thể chuyển quyền sử dụng đất thông qua hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng tặng cho có công chứng, chứng thực và thực hiện sang tên tại Phòng tài nguyên môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất. 

Trong trường hợp bạn không thể thỏa thuận với người đó để chuyển quyền sử dụng đất, bạn có thể khởi kiện lên tòa án để được giải quyết.

Tòa án nhân dân nơi có đất sẽ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết vụ việc. Khi đó, bạn cần phải chứng minh được mình là chủ sở hữu nhà đất thật sự. Bạn cần cung cấp các giấy tờ, giao dịch chứng minh về thỏa thuận nhờ người đứng tên sổ đỏ và phải có người làm chứng. Nếu hai bên không có thỏa thuận bằng văn bản thì phải có các chứng cứ khác để chứng minh.

Tòa sẽ căn cứ vào kết quả xác minh nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất, chứng cứ, tài liệu các bên đưa ra để quyết định ai là chủ nhân thực sự của bất động sản.

Thông thường, việc khởi kiện đòi lại nhà đất nhờ người khác đứng tên hộ sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Không ít trường hợp người nhờ người khác đứng tên bị mất trắng tài sản của mình.

Do đó, để đảm bảo những quyền lợi được pháp luật bảo hộ, tốt nhất không nên nhờ người khác đứng tên sổ đỏ.

Đăng Duy  (Tổng hợp)

Lưu ý quan trọng khi hùn vốn chung mua đất tránh rủi ro, thu lãi đậm

Lưu ý quan trọng khi hùn vốn chung mua đất tránh rủi ro, thu lãi đậm

Nhiều trường hợp bạn bè, người thân góp tiền mua chung đất đã không thể nhìn mặt nhau do phát sinh tranh chấp về việc khai thác hoặc định đoạt “số phận” mảnh đất đó.