- Thịt chó đã trở thành món ăn truyền thống của một số nước châu Á, món ưa thích của nhiều người. Nhưng hiện nay, nhiều nơi đã không còn mặn mà với thịt chó.
Dân Hàn Quốc dần xa lánh món thịt chó
Cùng với Trung Quốc, Việt Nam và một số nước ở khu vực châu Á, phong tục ăn thịt chó đã có lâu đời và được coi như một phần của nét văn hóa ẩm thực của người dân xứ sở Hàn Quốc.
Truyền thống ăn thịt chó được người dân nước này gìn giữ qua “đại tiệc thịt chó” được tổ chức vào 3 ngày nóng nhất trong năm có tên gọi là Boknal. Trong những ngày này, người dân tìm cách hạ hỏa bằng món thịt chó và rượu. Ngoài ra, thịt chó cũng được xem như gắn liền với tính đàn ông. Những người cha thường hay mang con trai đi ăn thịt chó vào lễ trưởng thành.
Người dân Hàn Quốc thường ăn thịt chó vào dịp Boknal để hạ hỏa. |
Thậm chí, vào những năm 1980, Hàn Quốc còn ra các quy định hợp pháp hóa việc ăn thịt chó và nuôi chó làm thịt của người dân. Hiện nhiều người Hàn Quốc vẫn giữ thói quen ăn thịt chó, bởi họ coi đây là thức ăn bổ dưỡng.
Theo WSJ, trung bình một năm, ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc giết mổ khoảng 2,5 triệu con chó, phục vụ 20000 nhà hàng trên khắp cả nước, mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD.
Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc phản đối việc ăn thịt chó. |
Tuy nhiên, cùng với sự phản đối ngày càng nhiều của các tổ chức bảo vệ động vật và dư luận quốc tế, Hàn Quốc đang tìm cách thay đổi thói quen và phong tục ăn thịt chó của người dân.
Hàn Quốc đã bắt đầu bằng các khuôn khổ pháp lý để hạn chế tình trạng người dân ăn thịt chó. Năm 2007, Quốc hội nước này thông qua Luật Bảo vệ Động vật, quy định hành vi buôn bán, giết mổ thịt chó một cách dã man là bất hợp pháp. Sau khi đạo luật này được thông qua, nhà chức trách Hàn Quốc đã bắt đầu xử lý, trừng phạt những người hành hạ, ngược đãi và sát hại dã man các loài động vật nuôi, nhất là loài chó.
Theo Korea Herald, mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã ra lệnh cấm giết mổ chó và di dời các lò mổ tại chợ Moran, chợ thịt chó lớn nhất nước này. Đây được xem là một bước đi mới trong việc chấm dứt ngành nghề gây tranh cãi này.
Chợ Moran bị rất nhiều các nhóm hoạt động vì quyền lợi động vật chỉ trích. |
Cùng với các chế tài pháp lý, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh chiến dịch vận động nhằm kêu gọi mọi người nói “không” với thịt chó. Dưới sức ép mạnh mẽ và những chiến dịch vận động quyết liệt, thói quen ăn thịt chó trong xã hội Hàn Quốc đã có những thay đổi nhất định.
Một khảo sát mới đây của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho thấy chỉ còn khoảng 30% người dân nước này còn ăn thịt chó và 59% người trẻ Hàn Quốc dưới 30 tuổi hoàn toàn chưa từng ăn thịt chó. Trong đó, 62% số người nói rằng, chó là vật nuôi chứ không phải thực phẩm, và việc ăn thịt chó là một “nét văn hóa lỗi thời” cần được loại bỏ.
Các cửa hàng thịt chó cũng đang dần đóng cửa. Theo BBC, trước kia Seoul từng có 1.500 cửa hàng phục vụ thịt chó thì nay đã giảm xuống chỉ còn 7.00 cửa hàng.
Khắp nơi tẩy chay thịt chó
Ngày nay, không chỉ có Hàn Quốc mà ở khắp nơi trên thế giới, phong trào tẩy chay món thịt chó diễn ra khá mạnh mẽ. Những người phản đối cho rằng ăn thịt chó là “đáng lên án” bởi con chó không chỉ là thú cưng mà còn là người bạn thân thiết, thậm chí là người thân trong gia đình.
Người dân Trung Quốc kêu gọi tẩy chay lễ hội thịt chó. |
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều thịt chó nhất châu Á với số lượng 20 triệu con mỗi năm, người dân của nước này cũng bắt đầu phản đối chuyện giết thịt loài chó. Tờ Huffingtonpost cho hay, có khoảng 279 poster ở nhà ga, xe lửa, bến xe, thang máy trong các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu với nội dung kêu gọi tẩy chay thịt chó.
Báo cáo của CNN năm 2010 cũng cho hay, Trung Quốc đang cân nhắc việc cấm tiêu thụ thịt chó. Trước khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 diễn ra, chính phủ nước này đã yêu cầu bỏ thịt chó ra khỏi thực đơn của các nhà hàng để không gây khó khăn cho du khách nước ngoài.
Người dân Đài Loan xưa nay vẫn ưa thích các món thịt chó. Gần đây, phần đông người Đài Loan coi việc ăn thịt chó là lạc hậu. Lệnh cấm ăn, bán thịt chó, giết mèo đã được ban hành năm 2010.
Nạn buôn bán chó lậu là vấn đề nhức nhối ở nhiều nơi. |
Thái Lan vốn không có truyền thống ăn thịt chó. Song nạn buôn bán chó lậu từ đất nước này qua các quốc gia khác đã trở thành một vấn nạn nghiệm trọng. UniDog - một tổ chức phi lợi nhuận của Thái Lan - đã phát động chiến dịch “Beg for life” (Cầu xin sự sống) để phản đối hiện tượng trên. Những người ăn thịt chó ở Thái Lan sẽ bị coi là “man di, mọi rợ, bị xem thường, ghét bỏ và xa lánh.
Ở thủ đô Manila, pháp luật nghiêm cấm việc giết và bán chó làm thực phẩm, ngoại trừ một số trường hợp gồm nghiên cứu động vật và kiểm soát số lượng động vật.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê, mỗi năm, có đến 5 triệu con chó bị sát hại để làm thức ăn, mồi nhậu. Thịt chó là món ăn phổ biến ở Việt Nam, món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Thịt chó là món khoái khẩu của nhiều người Việt |
Nhưng gần đây, cuộc tranh cãi có hay không nên ăn thịt chó ở Việt Nam cũng bùng nổ và kết cục vẫn bất phân thắng bại.
Tuy nhiên, có thể thấy, số người Việt Nam hạn chế món thịt chó ngày càng nhiều lên. Bằng chứng là nhiều ngôi làng một thời sống bằng nghề buôn chó, giết thịt chó đã không thể tồn tại mãi với nghề này. Còn phố thịt chó nổi tiếng Nhật Tân ở Hà Nội, với hơn 50 địa chỉ, nay bơ vơ sót lại một vài quán.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)