IMG_6867.
Dù nhiều showroom vẫn mở cửa nhưng hoàn toàn không có khách đến xem xe - Ảnh: Phúc Lâm.

Chạy đua giảm giá, xe vẫn ế

Giảm giá trực tiếp, bán “bia tặng lạc” với nhiều dạng quà tặng phụ kiện hay gói bảo hiểm, hàng loạt chương trình ưu đãi liên tục được các hãng xe tung ra liên tiếp trong nhiều tháng vừa qua.

Trong tháng 7, cuộc đua ưu đãi tiếp tục được triển khai khi Hyundai giảm giá từ 50 - 80 triệu đồng cho Hyundai Santa Fe, Honda tặng 100% lệ phí trước bạ cho khách mua xe Hodna CR-V hay VinFast miễn 100% lệ phí trước bạ cho khách mua ô tô của hãng bao gồm cả mẫu xe điện sắp ra mắt VinFast VF e34...

Dù mạnh tay kích cầu, doanh số bán xe của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vẫn giảm. Theo số liệu mới nhất được công bố, doanh số bán xe của các thành viên tháng 6/2021 đạt 23.587 xe, giảm 8% tương đương gần 2.000 xe so với tháng 5/2021.

Trong đó, ô tô du lịch chỉ đạt 15.802 xe, giảm 10%; xe thương mại đạt 7.131 xe, giảm 16% so với tháng 5/2021. Những con số này được dự đoán còn giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 8 khi mà cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - hai thành phố có lượng tiêu thụ xe lớn nhất cả nước buộc phải “đóng cửa”, thực hiện giãn cách xã hội chặt chẽ để phòng, chống dịch bệnh.

Vắng khách, sale ô tô điêu đứng

Trao đổi với Tạp chí GTVT, anh Trần Tuấn - nhân viên bán hàng (sale) một hãng xe sang tại Hà Nội cho biết, đại lý chỗ anh làm hiện vẫn được mở cửa nhưng chỉ 10% nhân viên được tới showroom làm việc. “Chúng tôi vẫn quảng cáo, vẫn tìm khách, vẫn bán xe nhưng làm gì có khách”, anh Tuấn chia sẻ.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp, kéo dài khiến nhiều người gặp khó khăn về tài chính. Thực tế này khiến nhiều người dừng hoặc hủy kế hoạch mua xe, trong khi đó các sale ô tô như anh Tuấn vẫn phải chi tiền hàng tháng để quảng cáo, marketing online với mục tiêu “vớt được khách nào hay khách ấy”.

Anh Tuấn cho biết, trước đây, hàng tháng riêng tiền mua quảng cáo trực tuyến ads network trên google anh đã tốn trên dưới 10 triệu đồng, thời gian vừa qua giá quảng cáo được ưu đãi hơn nhưng cũng tầm 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, nhân viên bán xe còn phải quảng cáo và tìm khách thông qua nhiều kênh khác và tốn không ít chi phí. “Tiền quảng cáo vẫn phải chi mà khách thì giảm, chúng tôi thật sự rất khó khăn mà chẳng có hỗ trợ gì cả. Đại lý cũng khó khăn nên chúng tôi chưa bị giảm lương cơ bản đã là may rồi”, chị Lan Anh - một nhân viên bán xe khác tại Hà Nội chia sẻ.

Chị Lan Anh cho biết, sale ô tô chỉ có lương cơ bản 2 - 3 triệu, còn lại sống nhờ hoa hồng bán xe nên khi xe không bán được thì sale ô tô gần như cũng chẳng có thu nhập.Trước đây, khi thị trường ổn định, một nhân viên sale làm ở mức trung bình cũng kiếm được vài chục triệu/tháng, những người có duyên bán tốt có thể kiếm cả trăm triệu từ việc bán xe cũng như bán phụ kiện kèm theo.

Tuy nhiên, cùng với diễn biến dịch Covid-19 khiến thị trường ảm đạm dần, thậm chí có nhiều thời điểm còn gần như “đóng băng”. Lượng xe tồn cao khiến hãng xe và các đại lý phải chạy đua giảm giá, còn các nhân viên bán xe cũng phải chịu thêm áp lực về doanh số nên buộc phải chạy đua để níu giữ khách hàng bằng cách tăng các hình thức chăm sóc, thậm chí cắt phần chiết khấu của mình để giảm thêm giá xe cho khách.

Chính vì thế, hiện nay không ít nhân viên bán xe phải cân nhắc chuyển nghề hoặc kiếm thêm thông qua các công việc khác như bán hàng trực tuyến (online)....

Theo Tạp chí GTVT

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Các hãng ô tô chờ đợi được giải cứu từ chính sách hỗ trợ trước bạ

Các hãng ô tô chờ đợi được giải cứu từ chính sách hỗ trợ trước bạ

Nếu được thông qua, quy định hỗ trợ lệ phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước có thể là cứu cánh giúp các hãng xe tại Việt Nam cải thiện doanh số trong những tháng cuối năm.