Bạn bè hay trêu: “Đi xe SH, điện thoại xịn, ăn mặc đẹp, lúc nào người cũng nước hoa thơm phức nhưng… chạy xe ôm”, anh Hưng (một nhân viên văn phòng) chia sẻ.

Trong cơn sốt cạnh tranh giữa các phương tiện di chuyển, nhiều hãng xe công nghệ nhanh chóng tạo khác biệt để kéo khách khi tung ra dịch vụ "xe ôm soái ca" hay "xe ôm VIP" và đang khá thành công.

Tậu SH để chạy…xe ôm

Hơn 4 tháng nay, ngoài công việc văn phòng còn lại thời gian rảnh anh Hưng đăng ký chạy thêm xe GrabBike để kiếm thêm thu nhập.

Anh Hưng cho biết công việc đầu tiên của anh mỗi sáng mở điện thoại lên là “hóng bíp” tức anh sẽ tìm những cuốc xe thuận với đoạn đường từ nhà (quận Gò Vấp) đến chỗ làm (quận 1).

“Đây cũng xem như là công việc làm thêm của tôi. Thay vì phí những khoảng thời gian ‘chết’ đó tôi đăng ký chạy Grab Premium để kiếm thêm thu nhập”, anh Hưng nói.

Nhưng để được chạy "xe ôm VIP", anh Hưng cho biết phải đáp ứng nhiều được yêu cầu của hãng, như phải đi xe sang thuộc các dòng SH, Vespa, PCX, Ducati,…Người phải luôn sạch sẽ, không có mùi hôi cơ thể và đặc biệt phải luôn ăn mặc lịch sự.

“Đương nhiên, tỷ lệ thuận với tiêu chí thì chiếc khấu khi chạy xe này cũng cao hơn so với tài xế chạy thường là 30%, riêng tài xế Premium là 75% cho một cuốc xe”, anh Hưng nói.

Nhưng anh Hưng cũng cho biết hạn chế là anh chỉ chạy vào những khung giờ rảnh nhất định như sáng sớm, chiều đi làm về. Các khung giờ khác anh đều không thể tham gia được, nên thu nhập từ việc chạy xe này cũng chỉ gọi là kiếm thêm.

“Tính ra mỗi tháng nếu chịu chạy thì cũng được 1-2 triệu đồng bù thêm xăng xe đi làm, còn tháng nào ít chạy thì chỉ vài trăm nghìn”, anh Hưng nói.

Khác với anh Hưng, Nam (quận 7) được gia đình mua cho xe Vespa giá hơn trăm triệu đồng. Nam quyết định trải nghiệm làm “xe ôm cao cấp” dù còn đang là sinh viên.

“Để xe không cũng chẳng biết làm gì, mình cũng muốn làm thêm gì đó ‘kiếm thêm’ ít tiền tiêu vặt thay vì cứ xin tiền ba mẹ. Từng trải qua các việc làm thêm khác như nhân viên phục vụ cà phê, nhà hàng không chủ động thời gian được nên mình chọn việc chạy xe ôm VIP”, Nam cho biết thêm.

{keywords}

Tài xế tham gia dịch vụ xe ôm VIP ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn ngoại hình, độ tuổi còn phải có xe máy xịn. Ảnh: Grab.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất, Nam cho biết thường xuyên anh phải đón khách hàng sang trọng. Có hôm có một người phụ nữ Nam đón ở quận 1 về Bình Thạnh, nhưng khi lên xe, vị khách này cứ bắt Nam chở lòng vòng, hết địa điểm này rồi book tiếp địa điểm khác, mãi tới khuya mới chịu về nhà.

“Những trường hợp như vậy thì không hiếm gặp, nhưng chủ yếu là bản thân mình xác định kiếm tiền đàng hoàng thôi. Mình có quyền từ chối khách. Có lần khách đi xong về cứ gọi điện thoại làm phiền mãi, tôi sợ quá phải bỏ cả sim điện thoại”, anh Nam nói.

Giá xe ôm ngang với taxi

Để tham gia vào đội ngũ "xe ôm VIP", tài xế phải có độ tuổi 18-45, ngoại hình dễ nhìn, không có mùi cơ thể, không mang dép lê, quần lửng, trang phục gọn gàng, sạch sẽ. Đặc biệt, tài xế phải chạy những dòng xe có phân giá trên 60 triệu đồng như: SH, Piaggio, Dylan,…

“Ngoài việc xe sạch đẹp, đạt tiêu chuẩn, ngoại hình độ tuổi thì chúng tôi còn xét đến thành tích hoạt động. Nếu tài xế có bất kỳ vi phạm nào về quy tắc ứng xử, không tuân thủ quy định sẽ từ chối không cho tham gia dịch vụ này”, đại diện Grab cho hay.

Theo lý giải, vì đối tượng khách hàng của dịch vụ này là khách cao cấp, có nhu cầu di chuyển nhưng không muốn người thân, bạn bè biết mình đang sử dụng xe ôm. Họ thích người đưa đón phải có ngoại hình đẹp, giao tiếp ứng xử khéo léo và phục vụ tận tâm như chính người thân trong gia đình.

“Mô hình này là nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp thích đi xe sang, tài xế đẹp, phục vụ chu đáo. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền cao để trải nghiệm dịch vụ nên đòi hỏi chất lượng rất cao”, đại diện này nói.

Ngoài ra, trước khi tham gia dịch vụ, tài xế được huấn luyện cách ứng xử khi gặp những khách hàng có những hành vi gạ tình, làm phiền, gây rủi ro về tài sản.

Vì được phục vụ bằng xe cao cấp, tài xế cũng phải "theo chuẩn", nên giá xe ôm VIP cao hơn mức giá gọi xe thông thường. Người dùng phải bỏ ra số tiền tối thiểu là 20.000 đồng cho 2 km đầu tiên. Với mỗi km tiếp theo, số tiền sẽ là 7.000 đồng/km.

(Theo Zing)