Ngày 31/8, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân này được điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới do mắc sán lá gan nhỏ.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt, vàng da, nước tiểu sậm màu. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân thường xuyên ăn gỏi cá.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước đó, bệnh nhân nhập viện ở tuyến dưới. Qua hội chẩn, bệnh nhân đã được chụp cắt lớp ổ bụng và phát hiện giãn đường mật trong gan và được chẩn đoán theo dõi U đường mật. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai và đã được tiến hành đặt ống dẫn lưu đường mật.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện nhiều sán lá gan trưởng thành kích thước khoảng 0,5-1cm chui theo ống dẫn lưu ra ngoài. Đồng thời, kết quả xét nghiệm phân của người bệnh cũng cho thấy có trứng sán. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm sán lá gan nhỏ gây tắc, nhiễm trùng đường mật.
Sau khi được điều trị bằng các phương pháp đặc hiệu, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, hết sốt, đỡ vàng da, tắc mật, ống dẫn lưu không còn xuất hiện sán chui ra. Bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới.
PGS Cường nhấn mạnh đây là một trường hợp hy hữu ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Bởi việc chẩn đoán sán lá gan nhỏ thường gặp khó khăn, phải nhờ vào đặt ống sonde hút dịch tá tràng để xét nghiệm mới tìm thấy trứng sán. Vị bác sĩ này cho biết ông chưa bao giờ thấy có nhiều sán trưởng thành chui ra từ đường dẫn lưu mật cũng như trứng sán lá gan nhỏ phát hiện ở trong phân như trường hợp này.
Bệnh sán lá gan là bệnh nhiễm ký sinh trùng thường gặp ở Việt Nam và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do tập quán sinh hoạt hay ăn gỏi cá và các thức ăn nấu chưa chín. Bệnh có thể gây biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Sán lá gan được chia làm 2 loại chính là sán lá gan nhỏ, và sán lá gan lớn. Người bị nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ thường do ăn các loại cá, ốc có chứa ấu trùng chưa được nấu chín hay ăn gỏi cá sống ao hồ, cá nước ngọt. Sau khi ăn ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, gây tổn thương ở đường mật làm tắc giãn đường mật ở trong gan.
PGS Cường khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại cá, ốc, các loại rau sống, rau thủy sinh chưa nấu chín,…. Thực hiện rửa tay vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn cũng như uống thuốc tẩy giun sán định kỳ. Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân phải đến các cơ sở khám chữa bệnh để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.