Uy tín trên thị trường

So với hàng ngoại, các thương hiệu như Yvy Moda, Canafi, NEM… đang được đánh giá khá cao về mối tương quan hợp lý giữa mức giá, thiết kế và chất lượng vải. Chị Đỗ Hồng Hạnh (một khách hàng ở Hà Nội) cho hay, chị thường xuyên mua các sản phẩm thời trang trong nước bởi giá thành vừa túi tiền, trong khi đó mẫu mã không thua kém gì hàng ngoại. Bên cạnh đó, chị còn nhận được nhiều chương trình chăm sóc khách hàng với thẻ hội viên.

Theo khảo sát cho thấy, nhiều thương hiệu thời trang trong nước được người tiêu dùng đánh giá cao. Nổi tiếng là thương hiệu thời trang đồng phục, sự ra đời của Canifa vào năm 2001 đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ của doanh nghiệp Việt trong ngành thời trang. Năm 2014 Canifa là thương hiệu thời trang đầu tiên ở Việt Nam nhận chứng chỉ Woolmark – Tổ chức uy tín nhất thế giới về phát triển và kiểm soát chất lượng len lông cừu.

Một thương hiệu khác, Ivy Moda ban đầu chú trọng đến thời trang công sở nhưng đã không ngừng phát triển và đẩy mạnh thị trường sang thời trang dạo phố, thời trang dạ hội, thời trang nam giới và trẻ em.

Còn Elise hướng đến dòng thời trang nữ đẳng cấp mang chất lượng của người Nhật, dịch vụ của người phương Tây. NEM có khoảng 80 showroom trên toàn quốc.

Ở lĩnh vực thời trang nam, Novelty là dòng thời trang nam hiện đại ra đời vào năm 2000. Hiện các sản phẩm của hãng đã có mặt trong hầu hết các siêu thị lớn và hàng trăm đại lý trên toàn quốc.

{keywords}
Thời trang Việt được người tiêu dùng đánh giá cao (Ảnh:Bảo Anh)

Tương tự, Owen được người tiêu dùng đánh giá cao với nhiều sản phẩm mới. Thương hiệu này cũng đang tìm đường chinh phục thị trường quốc tế, sau khi mở rộng hơn 1.000 điểm kinh doanh đại lý và hệ thống cửa hàng trong nước.

Một số thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường  tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10.

Ở mảng thời trang cao cấp, Giovanni là thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá cao. Khoác lên mình sản phẩm Việt mang đẳng cấp quốc tế, không chỉ là cách "Người Việt ủng hộ hàng Việt" mà còn là sự khẳng định giá trị chất lượng của sản phẩm nội địa. Sự tin tưởng lựa chọn của khách hàng trong và ngoài nước trong nhiều năm qua dành cho Giovanni chính là động lực cho các doanh nghiệp Việt tiếp tục bứt phá.

Tìm cách vượt khó

Thị trường thời trang Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập và chiếm ưu thế như H&M, Zara, Uniqlo. VIRAC cho biết hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Sự đổ bộ này đã đẩy ngành thời trang nội vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng bị thu hẹp hơn.

Để vượt thách thức này, theo báo cáo của CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), dự báo thời trang bền vững – cung cấp, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thời trang được thiết kế theo cách đảm bảo sự bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế - sẽ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thu nhập của người dân dần được cải thiện, ý thức trách nhiệm của giới trẻ với sản phẩm thời trang và môi trường ngày càng cao.

Trong thời gian tới, ngành thời trang sẽ chú trọng hơn vào tính bền vững, bao gồm vật liệu sản xuất từ các nguồn thân thiện môi trường, nguồn vật liệu tái chế và ít dùng hóa chất, quy trình sản xuất đảm bảo các yếu tố tiết kiệm năng lượng, phúc lợi lao động.

Bên cạnh đó, phân phối trên kênh thương mại điện tử ngày càng phổ biến, người tiêu dùng chuyển sang kênh trực tuyến nhiều hơn.

Nguyên nhân chủ yếu là nhờ việc quản lý chất lượng hàng hóa trên các trang thương mại điện tử đã tốt hơn, nhiều quy định chặt chẽ hơn về hình ảnh và mô tả sản phẩm giúp cải thiện lòng tin của người tiêu dùng với quần áo trên mạng.

Thêm vào đó, Covid-19 cũng là nguyên nhân thúc đẩy xu hướng mua sắm mặt hàng thời trang trực tuyến. Giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập nơi đông người khiến người dân hình thành thói quen mua hàng trực tuyến để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nội dung dưới dạng video (video content) đang ngày càng trở nên hấp dẫn và dự báo sẽ thống trị các các phương tiện truyền thông xã hội.

Phát trực tiếp (livestream) cũng đang cho thấy sự hữu ích của mình trong thúc đẩy doanh số bán hàng cho các thương hiệu thời trang. Nhiều sự kiện mua sắm quy mô lớn được tổ chức trên livestream và điều này đang ngày càng trở nên phổ biến, VIRAC đánh giá.

Thanh Hà