Việc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân lập thành công nCoV không những đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới phân lập thành công virus corona mà còn mở ra những cơ hội quan trọng trong việc phòng chống dịch này.

Để làm rõ hơn về những cơ hội của việc phân lập thành công nCovy cũng như những ứng dụng trên từ kết quả này, Góc nhìn thẳng đã có cuộc trao đổi với  Tiến sĩ (TS) Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với TS Hoàng Vũ Mai Phương về những ứng dụng của việc phân lập thành công nCoV:

 

 

BTV Như Quỳnh: Trước tiên xin được hỏi TS những cơ hội quan trọng nhất được mở ra từ việc phân lập thành công nCoV là gì?

TS. Hoàng Vũ Mai Phương: Như tất cả mọi người đều đã biết, ngày 6/2, theo thông báo với báo chí của Viện trưởng Đặng Đức Anh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân lập thành công virus trong phòng thí nghiệm, ngày 7/2, chúng tôi nhìn thấy hình ảnh virus thong qua kính hiện vi điện tử.
Việc có được hình ảnh của virus chứng tỏ chúng tôi đã phân lập thành công và điều này đem đến những kết quả bước đầu như có thể tiến hành các nghiên cứu tiếp theo như việc tìm hiểu bộ gen của virus, so sánh bộ gen của chủng nCoV đang lưu hành tại Việt Nam với chủng virus lưu hành trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Thứ hai là chúng tôi có thể tìm hiểu độc lực của virus và từ điều này, chúng tôi có thể xây dựng bộ sinh phẩm chuẩn đoán, và bước đầu triển khai nghiên cứu tiến hành tìm được vắc-xin phòng bệnh.

BTV Như Quỳnh: Một trong những công tác khó và cũng quan trọng nhất trong việc phòng chống dịch là phải xác định những người bị nhiễm bệnh để có thể nhanh chóng cách ly, tiến hành điều trị kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng. Xin TS cho biết cụ thể tác dụng của việc phân lập thành công nCoV với việc sản xuất những sinh phẩm giúp chẩn đoán nhanh?

TS. Hoàng Vũ Mai Phương: Thông thường một phản ứng Real-time PCR bao giờ cũng phải có chứng dương (tham chiếu để xác định xem kết quả xét nghiệm có phải dương tính hay không) để đảm bảo độ chính xác của phản ứng. Khi phân lập như thế này, chúng tôi có thể chủ động trong việc có được chứng dương, giúp theo dõi chất lượng phản ứng như thế nào, giúp xét nghiệm chính xác hơn. Ngoài ra, đối với các đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm được virus nCoV, chúng tôi có thể chuyển giao chứng dương cho họ, để họ có thể thực hiện xét nghiệm tại đơn vị, không phải mất công chuyển mẫu, vừa có thể giảm tải, vừa có thể tăng cường giám sát tại cộng đồng.

{keywords}
Ảnh minh họa

BTV Như Quỳnh: Vậy việc phân lập virus nCoV có giúp giảm thời gian xét nghiệm, chẩn đoán người nghi nhiễm có thực sự bị nhiễm bệnh?

TS. Hoàng Vũ Mai Phương: Về quá trình thực hiện xét nghiệm bằng Real-time PCR , thông thường mất 4-9,5 tiếng. Khi không mất thời gian vận chuyển mẫu qua lại, ví dụ tại Quảng Ninh có thể tự xét nghiệm, thì khoảng thời gian xét nghiệm có thể rút ngắn lại.

BTV Như Quỳnh: Việc phân lập thành công virus nCoV có tác động như thế nào với quá trình điều trị đang diễn ra tại các bệnh viện hiện nay?

TS. Hoàng Vũ Mai Phương: Việc xét nghiệm của chúng tôi giúp đỡ bên điều trị xác định khi nào bệnh nhân dương tính khỏi bệnh. Sau một quá trình điều trị, các bác sĩ cũng muốn xác định hiệu quả điều trị như thế nào, và bằng chứng của việc đấy là xét nghiệm có kết quả âm tính với virus nCoV trên bệnh phẩm của người bệnh. Chúng tôi nhận những mẫu sau khi điều trị như vậy và sẽ xét nghiệm, khẳng định thời gian virus đã hết sau quá trình điều trị là bao lâu.

BTV Như Quỳnh: Cuối cùng, xin GS cho biết với những việc phòng chống dịch mà chúng ta đã và đang triển khai cộng với việc phân lập thành công nCoV, chúng ta có thể hy vọng gì trong việc chống dịch lần này?

TS. Hoàng Vũ Mai Phương: Việc phòng chống dịch nCoV không chỉ của riêng bên Y tế dự phòng, bên điều trị, mà còn là sự tham gia của các ban ngành và cả người dân. Việc chúng ta đang làm hiện nay là đang thực hiện những việc cần thiết và cấp thiết để phòng chống dịch. Sự hỗ trợ của người dân trong việc tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, của Tổ chức Y tế Thế giới là việc sẽ góp phần phòng chống dịch tốt hơn.

Góc nhìn thẳng 
Ảnh: Nguyễn Thị Hà Sơn