Vinatex đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuỗi cung ứng trong sản xuất, đồng thời phía Tập đoàn Coats đã tích cực xúc tiến thị trường để xuất khẩu những lô hàng vải và trang phục chống cháy đầu tiên trong năm 2024. Có thể nói, đây là bước đi mới trong sản xuất, thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường ngày càng cạnh tranh gay gắt, mở rộng cơ hội từ thị trường ngách .

Tháng 3/2024, Vinatex và Tập đoàn Coats (Vương Quốc Anh) đã tổ chức ký kết MOU trong sản xuất vải và trang phục chống cháy. Để cấp tập chuẩn bị cho dự án, phía Vinatex đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và con người, đồng thời bên phía Tập đoàn Coats cũng cử các chuyên gia từ Ấn Độ sang Việt Nam hướng dẫn và chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất.

vai chong chay 1.jpg

Ông Phạm Xuân Trình – Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Coats thì mặt hàng vải chống cháy là một trong những mặt hàng trọng tâm trong 5 năm tới, do đó bên phía đối tác đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nghiên cứu phát triển sản phẩm, cùng tận dụng những lợi thế kinh doanh mặt hàng này đã được Coats triển khai tại Mexico và Ấn Độ. Đối với Vinatex, xuyên suốt thời gian qua Vinatex tập trung định hướng sẽ phát triển dựa trên nền tảng, thế mạnh của chuỗi cung ứng từ sợi – dệt – nhuộm – may để đáp ứng được tất cả khách hàng trên toàn cầu.

Do đó, sự liên kết và hợp tác lần này dựa trên thế mạnh của hai bên, cũng như quy mô và tiềm năng của thị trường. Cùng với đó, quá trình chuẩn bị cho sản xuất mặt hàng “đặc biệt” này bao gồm rất nhiều nguyên tắc, các quy định cần tuân thủ như thị trường, nhân sự, nhà xưởng và công nghệ. Đến nay phía Vinatex đã chuẩn bị đầy đủ bộ máy, đủ nhân sự để làm việc với đối tác, tiếp nhận các thông tin, nhận chuyển giao công nghệ, làm hàng mẫu… Về cơ bản, một số sản phẩm mẫu đều đạt yêu cầu theo các yêu cầu về kỹ thuật do phía đối tác yêu cầu.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp phải một số khó khăn ban đầu do đây là hóa chất đặc biệt, khác với các nhà cung cấp hóa chất thông thường, có một số nhãn sản phẩm hóa chất cần tới 1-2 tháng để đặt hàng và vận chuyển về Việt Nam, thậm chí phải đi bằng máy bay. Các hóa chất này cần đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về dư lượng hóa chất, các hóa chất cấm sử dụng đối với mặt hàng sản phẩm vải chống cháy. Thậm chí, có những hóa chất có thể sử dụng được, nhưng có thành phần trong danh sách các loại hóa chất bị cấm sử dụng cho vải chống cháy thì đều không được sử dụng. Tất cả các nhà cung ứng về hóa chất, thuốc nhuộm đều phải được “đánh giá” đạt các yêu cầu từ phía Tập đoàn Coas thì phía Vinatex mới triển khai ký kết để đưa vào sản xuất.  

Đối với xơ sợi, một phần hiện nay phía Tập đoàn Coats cung cấp, một phần do phía Coats giới thiệu tới các nhà cung ứng có uy tín được đánh giá theo hệ thống toàn cầu, đặc biệt là phải sử dụng bông cao cấp như bông Ai Cập, bông Pima… Trong nội dung MOU đã ký kết, nhà sản xuất phải đảm bảo và chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng, do đó đây là một tiêu chí “tiên quyết” mà phía Vinatex phải tuân thủ về lâu dài trong sản xuất, thông qua việc lựa chọn kỹ lưỡng từ nguyên liệu, hóa chất, thuốc nhuộm”- Ông Phạm Xuân Trình thông tin.

vai chong chay 2.jpg

Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) thông tin, khi được Vinatex lựa chọn Natexco là đơn vị sản xuất dòng sản phẩm mới, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty đã triển khai sâu rộng tới toàn thể CBNV và NLĐ vì xác định đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là cơ hội để Natexco chuyển biến về mọi mặt như: nền tảng sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lâu dài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Natexco phát huy chuỗi cung ứng, có sản phẩm hoàn chỉnh theo chuỗi mang thương hiệu của Tổng Công ty.

Nam Cao