Ngày 28/7, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất kinh doanh các đơn vị trọng yếu. Tham dự hội nghị có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex; ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng giám đốc Thường trực Vinatex; lãnh đạo trong Cơ quan điều hành, các ban chức năng Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị trọng yếu, doanh nghiệp thành viên của Vinatex.

Ông Cao Hữu Hiếu – thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex báo cáo kết quả SXKD 6 tháng đầu năm 2023 và đánh giá một số đơn vị trọng yếu

Báo cáo tại hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu – thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex nhận định, hiện nay Vinatex đang đối mặt với khó khăn trên mọi phương diện: (1) Xung đột địa chính trị đã gây ra khủng hoảng về năng lượng, lạm phát tăng cao; (2) Lực cầu thấp, các quốc gia đều giảm nhập khẩu do chính sách tiền tệ thắt chặt, sức cạnh tranh từ các quốc gia đối thủ ngày càng khốc liệt; (3) Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng cao, đơn hàng giảm đáng kể cả về số lượng và đơn giá; (4) Nền chi phí tăng cao do lạm phát tăng, khiến hiệu quả sản xuất sụt giảm; (5) Thiếu đơn hàng, lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp mất cân đối về dòng tiền và nguồn vốn; (6) Thương mại toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023, các nền kinh tế đều tăng trưởng kém.

Những yếu tố này tác động nặng nề đến hoạt động SXKD của các đơn vị trong hệ thống Tập đoàn. Để ứng phó với khó khăn, tìm hướng đi cho những tháng cuối năm 2023, CQĐH Tập đoàn đề xuất 05 giải pháp: (1) Kiên định hình thành chuỗi sản xuất. Để thực hiện giải pháp này, cần sớm tổ chức hoạt động của Ban SXKD May; đồng thời xây dựng cơ chế, đảm bảo tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các ban SXKD và xây dựng Trung tâm phát triển sản phẩm Dệt kim của Tập đoàn. (2) Tiếp tục làm tốt và nâng tầm khả năng dự báo về thị trường hàng Dệt May. Thị trường bông ứng dụng các phân tích cơ bản và kỹ thuật phục vụ cho việc ra quyết định mua bông; Nâng cao vai trò của các ban SXKD trong việc định hướng về thị trường và sản xuất. (3) Kiểm soát và đảm bảo khả năng thanh toán tài chính, đặc biệt với các doanh nghiệp sợi gặp khó khăn. Nâng cao năng lực thu xếp nguồn vốn. (4) Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến người lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập bình quân và các chính sách phúc lợi khác. Đẩy mạnh việc tổ chức các lớp đào tạo nội bộ và kiểm soát tốt việc ứng dụng sau đào tạo. (5) Thực hiện chặt chẽ việc tiết giảm chi phí sản xuất. Đẩy nhanh áp dụng quản trị số cho các hoạt động cốt lõi như tài chính kế toán, nhân sự…

dệt may .jpg
Sản xuất dệt may đang gặp khó

Đối với đơn vị thành viên, đơn vị làm sợi cần phối hợp với Ban SXKD Sợi xác định thời điểm mua bông tối ưu; chủ động tìm kiếm thị trường, cân đối tiêu thụ hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa kết quả và khả năng thanh toán; quan tâm chặt chẽ đến quản trị năng lực thiết bị để đạt trạng thái sẵn sàng; có giải pháp chuyển đổi cơ cấu mặt hàng linh hoạt và tối ưu. Đơn vị làm may cần phối hợp với Ban SXKD May xác định chương trình hành động để thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm và năm tiếp theo. Đơn vị sản xuất mặt hàng gia dụng, Tổng Công ty CP Phong Phú và Dệt Nam Định phối hợp để tận dụng các lợi thế sẵn có của 2 bên về thị trường khách hàng, năng lực quản trị sản xuất và tính sẵn sàng của hạ tầng hiện có. Thay đổi mô hình hoạt động dệt nhuộm để thực hiện nhiệm vụ SXKD đảm bảo cân bằng và hài hòa lợi ích. Đối với các đơn vị có kết quả tích cực 6 tháng đầu năm cần tiếp tục tìm giải pháp bám sát thị trường để hoàn thành kế hoạch SXKD.

Sau khi nghe báo cáo của Cơ quan điều hành về kết quả SXKD 6 tháng đầu năm 2023, đánh giá một số đơn vị trọng yếu; báo cáo cập nhật tình hình thị trường dệt may trên thế giới, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá tình hình thực tế và giải pháp thúc đẩy SXKD 6 tháng cuối năm 2023. Các ý kiến đều phản ánh rõ nét tình hình khó khăn của doanh nghiệp và nhận định cần tiếp tục bám sát thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, tập trung vào khách hàng đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao; quy hoạch lại thị trường dệt may, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực; với ngành may tiếp tục thực hiện gia công, tiếp tục sản xuất những sản phẩm chất lượng cao. Trước tình hình hiện nay, các doanh nghiệp xác định cần linh hoạt trong điều hành, cấu trúc lại doanh nghiệp, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức sản xuất sản phẩm không phải là sản phẩm truyền thống trong ngắn hạn. Các đại biểu cũng nhận định, thời điểm này các doanh nghiệp cần cắt giảm toàn bộ chi phí khác, bảo toàn lực lượng lao động, đảm bảo đủ tiền lương cho người lao động…

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh, giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn kéo dài được các các doanh nghiệp cùng xác định, đó là tập trung xóa đơn vị năng suất thấp; sẵn sàng làm ở nhiều thị trường, đơn hàng nhỏ lẻ, giao hàng gấp, khách hàng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, phục vụ khó. Các doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất linh hoạt, khái niệm chuyền mới đã thay đổi; cần tái cấu trúc nhân lực, đảm bảo chất lượng người đứng đầu; áp dụng hệ thống quản trị số để đáp ứng yêu cầu khách hàng nhanh nhất; thu hẹp khu vực không có giải pháp cải thiện một cách có tính toán, hạn chế thiệt hại; tìm kiếm sản phẩm cao cấp; giảm phụ thuộc lao động, tập trung giữ chân lao động có chất lượng.

Chủ tịch HĐQT Vinatex xác định, ngành sợi tiếp tục tối ưu hóa chi phí sản xuất nhất là quá trình mua bông; phát huy cao hơn hệ thống quản trị số, chuẩn đối sánh giữa các đơn vị, áp dụng quản trị tốt nhất lên các doanh nghiệp còn yếu kém; phát triển sản phẩm mới trên nền công nghệ hiện có và đầu tư nhỏ vào khâu cải thiện hiệu suất giá thành, thu hẹp khu vực mất năng lực cạnh tranh. Đối với ngành may, trong thời điểm trung hạn cần tìm kiếm khả năng nhập chuỗi các nhà sản xuất quốc tế, nghiên cứu mô hình nhà máy may linh hoạt, phục vụ sản phẩm mang tính cá biệt hóa và sử dụng công nghệ xử lý thay thế lao động.

Trong kết cấu quản trị, Chủ tịch HĐQT Vinatex yêu cầu hướng dần về tỷ lệ cân bằng vốn – nợ, quản trị số hóa, liên kết liên thông so sánh các đơn vị tương quan; tham gia nhiều khâu khác nhau của chuỗi cung ứng và bộ máy khung phải tinh – gọn.

Hội nghị đã đưa ra những giải pháp để các đơn vị thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn. Từng đơn vị nhận thức rõ việc tìm giải pháp nhằm thoát ra khỏi doanh nghiệp trung bình, phải vươn lên mức khá, đảm bảo năng suất, giá thành sản xuất, năng lực cạnh tranh thì mới tiếp tục tồn tại được trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Nam Cao