- Một số đề án chưa chú trọng đúng mức giải quyết mối quan hệ với chính quyền và các cơ quan quản lý ở địa phương, Thanh tra CP nhận xét về hiệu quả của Sáng kiến Phòng, chống tham nhũng VN (VACI) 2013.
Hôm nay, Thanh tra CP tổ chức tổng kết VACI 2013 với chủ đề "Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình, giảm tham nhũng". Trong số 130 đề án tham dự, đã có 24 đề án được chọn trao giải và triển khai từ cuối năm 2013 đến hết 2014.
Các đề án này nhắm vào các lĩnh vực giám sát cộng đồng, truyền thông nâng cao nhận thức, giáo dục đào tạo cho thanh thiếu niên và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, theo đánh giá của Thanh tra CP, các đề án về giám sát cộng đồng đã góp phần thay đổi nhận thức về vai trò của người dân trong các quyết định của chính quyền cấp xã, họ biết nhiều hơn về các quy định trong quy chế dân chủ cơ sở...
Nhưng các đề án về truyền thông nâng cao nhận thức thì chưa thực sự thu hút và khó có triển vọng nhân rộng. Các đề án giáo dục đào tạo cho thanh thiếu niên thì còn thiên về bề nổi, phong trào. Đề án ứng dụng công nghệ thông tin thì gặp khó khăn trong việc xin giấy phép, quản trị...
Những điều được và chưa được này, theo nhận định của Thanh tra CP, đều liên quan đến mức độ gắn bó với cơ sở: "Một số đề án chưa chú trọng đúng mức tới việc giải quyết mối quan hệ với chính quyền và các cơ quan quản lý ở địa phương".
Phó cục trưởng Cục Chống
tham nhũng Thanh tra CP Ngô Mạnh Hùng. |
Trao đổi với báo chí bên lề lễ tổng kết, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra CP Ngô Mạnh Hùng cũng cho biết không ít đề án về địa phương vấp phải những câu hỏi của chính quyền, cấp ủy "là thế nào?", "tại sao phải thực hiện?"...
"Chương trình đòi hỏi sự sáng tạo, cách làm mới, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, do đó các đề án thời gian qua chủ yếu hướng đến đối tượng mới, cách thực thi hiệu quả hơn, chứ chưa vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật. Có lẽ vì thế mà nhìn từ bên ngoài, các đề án dường như không có gì đột phá, nên chưa nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tích cực của địa phương, khó khăn trong triển khai thực tiễn", ông Hùng nói.
Nhưng sau khi chia sẻ, trao đổi, giải thích, cung cấp đủ thông tin thì các đề án đã nhận được sự ủng hộ, thực hiện tốt từ cơ sở, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết.
"Chương trình đòi hỏi sự hợp tác phối hợp chặt chẽ của nhiều bên. Nhà tổ chức thì vừa là cơ quan quản lý nhà nước, các nhà tài trợ thì đảm bảo về kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật, nhưng quan trọng nhất là sự phối hợp của những người triển khai đề án với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó và tại địa phương", ông Ngô Mạnh Hùng nói.
"Có những chủ đề án đã chủ động liên hệ và được địa phương ủng hộ trước khi tham gia chương trình và được trao giải, nên khi triển khai trong thực tiễn đã thuận lợi, thậm chí có sự tham gia cùng của các cán bộ địa phương".
Chung Hoàng