Tâm điểm đang được xem xét trong vụ tai nạn là tăng đơ - ốc nối giữa cáp với hố neo. Tăng đơ này bị đứt khiến cáp bị tuột làm đoàn người lao xuống lòng suối lởm chởm đá.


Kiểm tra chất lượng trước khi đổ lỗi cho dân

Ngày 25/2, việc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn đau lòng, tang chồng tang tại xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) bắt đầu được triển khai. Một tổ điều tra gồm các cán bộ của Bộ GTVT và UBND tỉnh Lai Châu được thành lập.

Xem xét tại hiện trường cho thấy, trụ cầu vẫn nguyên vẹn; hố neo (nơi để gắn cáp) không dịch chuyển; mặt cầu không hư hỏng; dây cáp không bị đứt.

{keywords}
Hiện trường vụ tai nạn

Đầu dây cáp gắn với hố neo, chiếc tăng đơ bằng sắt, to bằng cổ chân người lớn đứt đôi như gạch vỡ. Chính từ điểm đứt gãy này, cáp bị lôi đi làm nghiêng mặt cầu, hất văng toàn bộ người trong đám tang xuống cầu, gây ra hậu quả không thể đau lòng hơn.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý chất lượng và công trình giao thông (Bộ GTVT), tổ phó thường trực của tổ công tác nêu trên cho rằng: Dùng phép loại trừ thì nguyên nhân đang được tập trung vào tăng đơ. Chiếc tăng đơ này sẽ được đưa đi để kiểm nghiệm về sức bền vật liệu, độ chịu lực.

Theo ông Sanh, dây cáp của chiếc cầu có thể chịu được tải trọng 79,7 tấn; các trụ, hố neo, mặt cầu không bị ảnh hưởng trong vụ tai nạn. Vì thế, bước đầu có thể đánh giá, chiếc tăng đơ không tương thích với các hạng mục khác của cầu.

Các yếu tố khác sẽ được tổ điều tra làm rõ là giới hạn an toàn của cầu treo (còn được hiểu là độ dư tải, cụ thể là xem xét chiếc tăng đơ có đảm bảo độ dư tải hay không); khi xây dựng xong cầu, các đơn vị liên quan có tổ chức thử tải theo quy định hay không...

“Chiếc cầu ghi tải trọng 1,5 tấn, số lượng người đi trên cầu vượt quá tải trọng đó. Tuy nhiên, thời điểm này mà đặt vấn đề do người dân đi quá đông là phản cảm. Trước hết phải xem xét chất lượng cầu. Khi chất lượng có vấn đề, tuỳ theo kết quả mà xem trách nhiệm của đơn vị thiết kế, giám sát hay thi công” - ông Sanh nói.

Ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) cũng cho biết, cầu treo Chu Va vừa hết bảo hành (1 năm) hồi tháng 12/2013.

Khi hết bảo hành, huyện đã nghiệm thu và giao cho Phòng Công thương huyện phối hợp với xã quản lý, kiểm tra. “Ốc neo tăng đơ bị vỡ không phải do hoen gỉ, không phải do quá trình bảo dưỡng”, ông Trung nói.

Dự kiến, trong tuần tới, tổ điều tra sẽ nhóm họp để đưa ra kết luận.

Thiếu quy trình vận hành, bảo dưỡng cầu treo

Một vấn đề được phát lộ sau vụ tai nạn thương tâm này là từ trước đến nay chưa hề có một quy trình vận hành, bảo dưỡng cầu treo. Điều này được lãnh đạo tỉnh Lai Châu, UBND huyện Tam Đường cho là một nguyên nhân của vụ tai nạn.

Chính vì thế, trong ngày 25/2, ngay tại Lai Châu, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẩn cấp ra công điện. Trong đó, Bộ trưởng GTVT giao Tổng cục Đường bộ khẩn trương xây dựng quy trình vận hành, sử dụng và bảo trì cầu treo.

Cũng trong công điện, Bộ GTVT chỉ đạo các địa phương có hướng dẫn cụ thể về tải trọng cầu treo theo hướng cụ thể hoá, dễ hiểu. Việc này sẽ quy định theo hướng không ghi tải trọng chung chung mà quy ra số lượng người (tương tự như vào thang máy ở thành phố).

Ngoài ra, Bộ đề nghị ghi bằng tiếng dân tộc tại nơi có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống, sử dụng cầu. Tính đến ngày 25/2, số nạn nhân tử vong 8 người; số người bị thương là 41 người. Ngày 25/2, 3 trực thăng được điều động chở các bác sỹ đầu ngành cùng dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh, máu lên Lai Châu ứng cứu.

Thủ tướng yêu cầu điều tra làm rõ

Ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo khẩn trương cứu chữa người bị thương, động viên, thăm hỏi gia đình có người chết và tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn sập cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; bắc cầu tạm để nhân dân đi lại, ổn định đời sống và trật tự xã hội khu vực xảy ra sự cố.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Lai Châu và các địa phương khác trên toàn quốc khẩn trương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo, cầu yếu trong địa phương mình, báo cáo cấp có thẩm quyền và hướng khắc phục.

(Theo Tiền phong)