Sáng 6/10, Thứ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm và Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì hội nghị sơ kết giai đoạn 1 đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, việc sắp xếp, quy hoạch báo chí nói chung và báo chí TP.HCM là vì sự phát triển của các cơ quan báo chí.
“Ngoài một số vướng mắc nêu ra, tôi rất mừng khi nghe các cơ quan báo chí TP.HCM cho biết đã phát triển ổn định sau khi triển khai việc sắp xếp, quy hoạch. Những vướng mắc được nêu ra tại hội nghị, chúng tôi sẽ tiếp thu để có những tham mưu với Trung ương tháo gỡ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Cũng theo ông Lâm, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ hết mình, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mạnh hơn. Nhất là hỗ trợ về việc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, Cục Báo chí sẽ tổ chức một hội nghị cùng bàn sâu việc này.
Ngoài ra, Thứ trưởng Lâm cũng thông tin, để hỗ trợ và tạo điều kiện về phát triển kinh tế cho các cơ quan báo chí, Bộ TT&TT đã và đang mở các khóa tập huấn cho báo chí. Cụ thể là khóa phát triển độc giả, khóa phát triển và khai thác dữ liệu độc giả, khóa doanh thu từ quảng cáo và khóa doanh thu từ độc giả.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định, việc sắp xếp, quy hoạch báo chí là để phát triển chứ không gò ép. UBND TP.HCM trong trách nhiệm của mình sẽ tạo điều kiện tối đa để các cơ quan báo chí thành phố phát triển mạnh hơn.
Qua đó, ông yêu cầu các cơ quan báo chí thành phố cần nâng chất mình, phát triển mạnh mẽ hơn sau khi đã ổn định việc sắp xếp lại.
Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức cũng đề xuất Bộ TT&TT tham mưu cho các cấp lãnh đạo tháo gỡ những vướng mắc mà các cơ quan báo chí nêu ra tại hội nghị hôm nay.
Trước đó, một số cơ quan báo chí TP.HCM nêu vướng mắc sau khi thực hiện sắp xếp, cần Bộ TT&TT có những giải pháp tháo gỡ.
Theo báo cáo của Sở TT&TT, trong giai đoạn 1 triển khai đề án, TP.HCM thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn dưới hình thức chuyển đổi cơ quan chủ quản, mô hình hoạt động, sáp nhập từ 27 cơ quan báo chí xuống còn 19 cơ quan.
Cụ thể, sau sắp xếp, 4 cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy TP.HCM, gồm: Báo Phụ nữ thành phố, Báo Người lao động, Báo Tuổi trẻ, Tạp chí Cựu chiến binh thành phố.
6 cơ quan báo chí trực thuộc UBND TP.HCM gồm: Báo Pháp luật thành phố, Tạp chí Giáo dục thành phố, Tạp chí Du lịch thành phố, Tạp chí Khoa học phổ thông, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
1 cơ quan báo chí thuộc Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM là Tạp chí Văn nghệ thành phố.
1 cơ quan báo chí thuộc Học viện Cán bộ TP.HCM là Tạp chí Khoa học Phát triển Nhân lực.
Sở TT&TT cho biết, về cơ bản, việc sắp xếp trong giai đoạn 1 đã hoàn thành. Chỉ còn 2 cơ quan báo chí còn vướng mắc, chưa sáp nhập là Báo Khăn Quàng đỏ vào Báo Tuổi trẻ; Báo Cựu Chiến binh chưa chuyển cơ quan chủ quản và mô hình hoạt động.