Trong phiên chất vấn sáng nay (6/11), đại biểu (ĐB) Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 là chủ trương lớn, ông đề nghị Bộ trưởng TT&TT cho biết kết quả thực hiện và những giải pháp sắp tới.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng ký quyết định quy hoạch báo chí vào tháng 4/2019. Tháng 6 vừa qua, Bộ đã có báo cáo sơ kết quy hoạch báo chí sau một năm triển khai gửi Thủ tướng.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Thông báo về kết quả, Bộ trưởng TT&TT thông tin có 33 tổ chức hội ở T.Ư có cơ quan báo, tạp chí cần quy hoạch đến hôm nay đã quy hoạch xong.

Có 13/29 bộ ngành phải quy hoạch báo chí, đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án quy hoạch nhưng phải chờ hồ sơ cấp phép.

Có 31/63 địa phương phải quy hoạch báo chí, đến nay còn 1 địa phương thiếu hồ sơ cấp phép.

Theo lộ trình đến hết năm nay phải thực hiện 100% quy hoạch báo chí. Bộ trưởng khẳng định: "Chúng tôi quyết tâm thực hiện mục tiêu này. Sau quy hoạch sẽ còn những việc khác nữa như phát triển báo chí, xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, cơ chế hỗ trợ đặt hàng báo chí, các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Chúng tôi đang tích cực thực hiện nội dung này sau quy hoạch".

Chính phủ số và Chính phủ điện tử khác nhau điểm nào?

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu tại Nghị quyết số 17, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhưng đến năm 2019 mới đạt được khoảng 10,7%. Bộ trưởng TT&TT có giải pháp đột phá gì để đạt được mục tiêu 30%, hiện trạng triển khai đến đâu?

ĐB Tuấn đặt vấn đề Chính phủ số khác gì với Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT có định hướng như thế nào để phát triển Chính phủ số ở Việt Nam.

Ngoài ra, ĐB đặt câu hỏi đến Bộ trưởng TT&TT có giải pháp gì mới trong phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu triển khai nhanh Chính phủ điện tử trong thời gian tới?

{keywords}
ĐB Nguyễn Phương Tuấn.

Nói về dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để đạt được 30% bắt buộc phải tìm cách đột phá.

Bộ TT&TT đã có cách làm đột phá sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến dựa trên các nền tảng. Cách làm đồng loạt các dịch vụ công lên trực tuyến cùng một lúc chứ không làm dần dần từng dịch vụ một, làm thẳng mức độ 4, hiện nay công nghệ cho phép làm điều này.

Với cách làm mới này thì hai Bộ đạt 100% đầu tiên thí điểm là Bộ Y tế và Bộ TT&TT. Vừa qua, Bộ TT&TT đã thực hiện thí điểm với tỉnh Bến Tre. Sau đúng 3 tháng làm theo cách mới, từ 6% hiện nay Bến Tre đạt 100% dịch vụ công mức độ 4. Bộ sẽ cho triển khai diện rộng mô hình này.

Theo Bộ trưởng, làm dịch vụ công trực tuyến cái khó nhất là kết nối, kết nối xã với huyện, huyện với tỉnh và tỉnh với TƯ. Rất nhiều tỉnh thiếu trục kết nối, thủ tục đầu tư chậm. Bộ TT&TT đã có sáng kiến xây dựng nền tảng trục kết nối để các tỉnh dùng nền tảng đấy như một dịch vụ. Chỉ trong 1 tuần Bộ sẽ cung cấp trục cho các tỉnh.

Một cái khó khác của dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là thanh toán, nếu để các tỉnh thanh toán được thì phải ký với 40 ngân hàng, rất mất công mất sức. Bộ đã hình thành hỗ trợ thanh toán trực tuyến, các tỉnh chỉ cần nối với Payoo là có thể kết nối với tất cả các ngân hàng.

Đặc biệt Bộ đã “lôi kéo” các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam vào cuộc, có một số những chậm trễ, khó khăn thì doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư trước.

“Đến ngày hôm nay, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 25% và đang tăng với tốc độ cao, chúng tôi tin rằng hết năm nay sẽ trên 30%”, Bộ trưởng bày tỏ.

Với cách làm này, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng năm 2021 kết thúc dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 100%.

Bộ trưởng TT&TT cho hay, bài học ở đây là đôi khi chọn mục tiêu cao và chọn việc khó lại dễ làm hơn, vì khi đó chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nếu mục tiêu thấp, việc dễ, cách thức cũ thì có thể lại khó làm, có khi lại không làm được.

Nói về sự khác nhau của Chính phủ điện tử và Chính phủ số, Bộ trưởng giải thích, Chính phủ điện tử là tin học hoá các quy trình đã có, còn Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và DN, đặc biệt chú ý dịch vụ mới.

Chính phủ điện tử tập trung vào dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ số chuyển mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, hoạt động dựa trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới. Chính phủ điện tử chủ yếu dùng CNTT, còn Chính phủ số là dùng công nghệ số, nhất là công nghệ của cách mạng Công nghiệp 4.0.

Khác biệt cốt lõi của Chính phủ số là sử dụng dữ liệu để ra quyết định, coi dữ liệu là một tài nguyên mới, đó là chuyển đổi về cách thức, ra quyết định của cơ quan chính quyền dựa trên báo cáo bản giấy sang dữ liệu phân tích định lượng và tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Đó là sự kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước để người dân chỉ cần cung cấp thông tin 1 lần cho cơ quan nhà nước, các DN có thể sử dụng dữ liệu này để cung cấp thêm các dịch vụ mới.

Thời gian qua Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ để thúc đẩy Chính phủ số. Về mặt pháp lý đã ban hành được nghị quyết về mở dữ liệu và kết nối dữ liệu.

Về nền tảng kết nối trục liên thông, trục quốc gia đã hoàn thành, trục kết nối của các tỉnh và cấp bộ cơ bản năm nay sẽ là 100%.

Bộ cũng khai trương cổng rất quan trọng là data.word.vn và các dữ liệu quốc gia sẽ được mở thông qua cổng này. Trên cơ sở đó Thủ tướng sẽ ban hành quyết định về lộ trình mở dữ liệu.

Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang xin ý kiến các cơ quan và có thể năm nay sẽ ký được Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

“Lần đầu tiên Việt Nam có 1 chiến lược để đảm bảo xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Về đào tạo nhân lực, Bộ trưởng cho rằng, nếu không thay đổi cách làm thì chắc rất khó giải được câu chuyện đào tạo nhân lực cho Chính phủ điện tử. Bộ TT&TT đã có một số cách như giảm bớt việc cho cán bộ chuyên trách CNTT. Tuy nhiên để triển khai Chính phủ điện tử thì các bộ ngành vẫn phải có hạt nhân và Bộ đã có sáng kiến là chương trình 100 chuyên gia Chính phủ điện tử, mỗi bộ ngành địa phương có 1 người…

Hương Quỳnh - Thu Hằng - Thành Nam

Bộ trưởng TT&TT: Việt Nam làm 5G không chậm

Bộ trưởng TT&TT: Việt Nam làm 5G không chậm

“Có tin rất vui là khi triển khai diện rộng 5G thì chúng ta sẽ có thiết bị 5G Việt Nam, và chắc chắn rằng chất lượng tốt, giá rẻ hơn, sẽ tiết kiệm chi phí cho các nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.