- Trong khi thủ khoa, thạc sĩ trượt dài công chức Hà Nội, thì tỉ lệ đối tượng có trên 5 năm kinh nghiệm vượt qua kỳ sát hạch lên tới gần 100%.
Các con số chênh lệch
Công văn số 570/ HĐKTSH-SNV về việc Tổ chức kiểm tra sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi của UBND Thành phố Hà Nội ký ban hành ngày 30/3/2015 ghi rõ:
“Tổng số thí sinh đủ điều kiện dự sát hạch là 140 người, trong đó: Thí sinh có thời gian công tác trên 5 năm là 77 người; Thí sinh đăng ký hồ sơ trong kỳ tuyển dụng công chức năm 2015 là 63 người (có biểu kết quả thẩm định theo đơn vị gửi kèm)”.
Công văn số 570/ HĐKTSH-SNV ngày 30/3/2015 |
Tuy nhiên, trong các danh sách kèm theo quyết định này, thì danh sách thí sinh có thời gian công tác trên 5 năm đủ điều kiện dự sát hạch không qua thi (kèm theo công văn số 570/ HĐKTSH-SNV ngày 30/3/2015) lại gồm có 80 người.
Ngày 4/5, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội lại cho biết có tới… 83 đối tượng thuộc diện có thời gian công tác trên 5 năm.
Cũng theo ông Hoa, ngày 16/4/2015 Sở Nội vụ đã có văn bản số 679/TB-HĐKTSH thông báo kết quả kiểm tra sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đợt tháng 4/2015. Danh sách này có đầy đủ tên tuổi thí sinh, trình độ, cơ sở đào tạo hoặc đơn vị hiện đang công tác của thí sinh, cơ quan tiếp nhận và điểm số của thí sinh.
Theo ông Hoa, sở dĩ không công bố trên trang web của Sở Nội vụ kết quả sát hạch của “nhóm 5 năm” như đối với “nhóm thủ khoa, thạc sĩ” vì sau khi có kết quả, Sở đã chuyển đến từng thí sinh và đơn vị.
Đáng chú ý, nếu như tỉ lệ “nhóm thủ khoa, thạc sĩ” trượt công chức lên tới gần 50%, thì tỉ lệ “Đạt” của “nhóm 5 năm” lên tới gần 100%. Đối chiếu danh sách kết quả của đối tượng thuộc diện có thời gian công tác trên 5 năm mà Sở Nội vụ đưa ra tại buổi phỏng vấn, có 82/83 người “Đạt”, và chỉ có 1 trường hợp “Không đạt”. Đáng chú ý nữa là những người này có điểm số sát hạch tương đối cao, đa phần đều trên 70 điểm, nhiều người trên 90 điểm.
Sở Nội vụ giải thích
Nói thêm về vấn đề này, ông Hoa lại cho biết, việc sát hạch đối với các ứng viên đang là viên chức, công chức cấp xã mà 5 năm kinh nghiệm trở lên được tổ chức thường xuyên 3 tháng/1 lần.
Chỉ tiêu của đối tượng này được UBND thành phố phê duyệt ở một Quyết định khác và hoàn toàn không liên quan đến Quyết định số 163/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch thi tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2015, tổng chỉ tiêu thi tuyển công chức ngạch chuyên viên là 560 người.
Quyết định 1149 đã được UBND thành phố phê duyệt 294 chỉ tiêu công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển để làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội năm 2015. “Vừa qua Hội đồng sát hạch tiến hành kiểm tra sát hạch 2 đợt. Đợt 1 dành cho các ứng viên thuộc phạm vi của Quyết định 1149. Đợt 2 đối với các trường hợp đăng ký hồ sơ trong kỳ tuyển dụng công chức năm 2015. Do hai đợt này gần nhau nên có thể một số ứng viên sẽ hiểu nhầm” - ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội giải thích.
Cách tuyển dụng chưa thể thay đổi?
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, không thể tuyển dụng thẳng những đối tượng đặc biệt vào làm việc ngay mà không qua sát hạch, bởi phải thực hiện theo các quy định của Nghị định 24 của Chính phủ và Thông tư 13 của Bộ Nội vụ. Hà Nội cũng thực hiện triệt để không ký hợp đồng trong các cơ quan hành chính, vị trí nào thiếu sẽ cho tuyển dụng. Nguồn tuyển có 3 cách: qua điều động, luân chuyển và thi - xét tuyển.
Sau một thời gian thực hiện, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với tổ chức sát hạch như vừa qua của Hà Nội, và Hà Nội cần phải thay đổi nếu muốn tuyển chọn được đúng người thực sự có năng lực. Theo ông Hoa, Bộ Nội vụ cũng vừa có báo cáo Chính phủ về việc làm sao cho hình thức tuyển công chức hiệu quả, sát thực, tuyển người vào làm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Hội đồng tuyển dụng công chức thành phố vừa qua thành phần gồm: Một phó chủ tịch UBND thành phố làm Chủ tịch hội đồng, lãnh đạo Sở Nội vụ, đại diện sở ban ngành, lãnh đạo quận huyện thị xã, trưởng cơ quan nơi ứng viên ứng tuyển và trưởng bộ phận nơi ứng viên sẽ về làm nếu trúng tuyển.
Trong khi chờ đề án của Bộ Nội vụ được phê duyệt thì địa phương như Hà Nội phải làm theo quy định pháp luật hiện hành, không thể sáng tạo được” – ông Hoa khẳng định.
Văn Chung – Ngân Anh