Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị 4 trường hợp ở Bắc Ninh ngộ độc cồn công nghiệp methanol từ tuyến dưới chuyển lên.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm cho biết, trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân 32 tuổi, nhập viện ngày 3/11 trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, glasgow 7 điểm, huyết áp tụt.
Xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao 141mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Trong khi bình thường ở ngưỡng 20mg/dL đã đe doạ tổn thương thần kinh, trên 50mg/dL đã có nguy cơ tử vong.
TS Nguyên thăm khám cho bệnh nhân khi còn điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương não rất nặng, mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng bệnh nhân đến viện muộn, tiên lượng rất dè dặt nên sau 3 ngày điều trị, gia đình đã xin về, tử vong tại nhà.
Theo lời kể của người nhà, trước đó 3 ngày, bệnh nhân có mua rượu cùng thịt chó về ăn uống với 3 người bạn khác cùng phòng trọ. Rượu được mua ở một cửa hàng tạp hóa, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.
Sau uống 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, nhìn mờ, mất ý thức (nói nhảm, gọi hỏi không thưa). Bệnh nhân được đưa vào tuyến tỉnh điều trị sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
3 người bạn sau đó cũng có biểu hiện ngộ độc, được theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tuy nhiên sau đó cũng chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, hiện đã được xuất viện.
Theo BS Nguyên, đây là các trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống phải loại rượu giả, không ró nguồn gốc.
Mẫu rượu bệnh nhân uống được người nhà mang đến đem đi xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol là 20,21%, trong khi đó hàm lượng ethanol chỉ có 11,42%.
BS Nguyên cho biết, số bệnh nhân ngộ độc methanol đang có xu hướng tăng lên. Chỉ trong tháng 10, trung tâm tiếp nhận tới 18 bệnh nhân và các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm methanol từ các bệnh viện khác gửi tới. Phần lớn các trường hợp này đều nặng và rất nhiều trường hợp đã tử vong.
Người bình thường nếu hít phải, dính vào da hoặc uống nhầm methanol sẽ bị ngộ độc với các biểu hiện đau đầu, mệt, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp, tử vong.
Khi vào cơ thể, methanol sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Ca ngộ độc methanol nặng nhất từ trước đến nay lên tới 687mg mathanol/dl.
Có 2 nguyên nhân làm gia tăng số ca ngộ độc methanol: Thứ nhất, do uống phải các loại rượu trôi nổi, được pha trộn methnol; Thứ hai, một số tự ý pha cồn công nghiệp thành rượu vì nghĩ an toàn, tuy nhiên do cồn y tế bị làm giả, pha từ cồn công nghiệp methanol.
Do đó BS Nguyên đề xuất cần phải quản lý chặt methanol, có thể bổ sung chất chỉ thị màu để người dân phân biệt, giống như nhiều quốc gia đang thực hiện.
Thúy Hạnh
Người đàn ông nguy kịch do thói quen uống 500ml rượu/ngày
Ông C. có thói quen sử dụng rượu nhiều năm nay. Thời gian gần đây, ông đột ngột xuất hiện đau quặn bụng, sau đó diễn tiến rất nhanh tới viêm tuỵ cấp, sốc nhiễm khuẩn nguy kịch.