Hơn 2.300 trường học đã thực hiện trường học hạnh phúc

Ngày 29/11, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện mô hình trường học hạnh phúc.

Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, thành phố hiện có 2.362 trường học, trong đó có 1.275 trường mầm non, 520 trường tiểu học, 295 trường THCS, 205 trường THPT, 31 cơ sở GDTX và 36 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Hiện nay số lượng trường lớp cần mở rộng hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số và số người tạm trú trên thành phố tăng hàng năm.

Việc xây dựng, phát triển mô hình trường học hạnh phúc nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, thân thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên.

hoc sinh 2.jpeg
Học sinh TPHCM. Ảnh: LH

Cách đây 1 năm, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai bộ tiêu chí trường học hạnh phúc và triển khai kế hoạch thực hiện trường học hạnh phúc đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.  Trong năm học 2023-2024 đã có 100% cơ sở giáo dục triển khai xây dựng trường học hạnh phúc nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của cơ sở giáo dục, cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Lãnh đạo Sở nhìn nhận gì sau 1 năm thực hiện trường học hạnh phúc

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường với các hướng dẫn và các định hướng để từng đơn vị có thể căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị đề ra kế hoạch, mục tiêu, phương án thực hiện triển khai Bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với từng cấp học và từng địa bàn.

Đồng thời, việc đánh giá thường xuyên sẽ là cơ sở để lãnh đạo nhà trường có những biện pháp định hướng trong công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ giáo dục chung trong nhà trường, tiếp tục phát triển Trường học hạnh phúc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc xây dựng trường học hạnh phúc cũng có hạn chế. Sở GD-ĐT cần có thêm những nghiên cứu, tham khảo và học hỏi từ những mô hình xây dựng trường học hạnh phúc, trường học tiên tiến trong và ngoài nước để có cơ sở tham mưu UBND thành phố trong việc triển khai kế hoạch thực hiện Trường học hạnh phúc đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Mặt khác trong thời gian tới, bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc cũng cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá thực tế để điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu mới của công tác giáo dục và đào tạo, với nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Ông Dũng cho rằng, TPHCM là địa bàn có quy mô trường lớp với số lượng học sinh, giáo viên vào nhóm lớn nhất của cả nước nên việc triển khai xây dựng trường học hạnh phúc cần được quan tâm đúng mức và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá để có những điều chỉnh kịp thời với các vấn đề phát sinh, tạo nên sự đồng đều trong chất lượng của quá trình xây dựng trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục.

Trong quá trình triển khai, Sở GD-ĐT đã nghiên cứu từ các mô hình hay trong và ngoài nước để xây dựng một môi trường học tập, giảng dạy an toàn, lành mạnh, phát triển phù hợp với nhu cầu tất yếu của thời đại.

Để các cơ sở giáo dục thực hiện tốt bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, ngành giáo dục tiếp tục phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức… thực hiện các buổi chuyên đề để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm. Thực hiện mời chuyên gia tư vấn, nhận diện, xử lí các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong lao động nghề nghiệp; tổ chức tọa đàm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên, cha mẹ học sinh về trường học hạnh phúc, về sự đồng cảm, khoan dung...

Tổ chức xây dựng các tư liệu về “xử lý tình huống sư phạm”, các câu chuyện đạo đức, về truyền thống tôn sư trọng đạo, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống… phục vụ cho công tác thông tin, truyền thông và hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong ứng xử sư phạm.