- Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều ngày 18/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm và tri ân nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình.
Chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguyên Phó Chủ tịch nước lưu ý, ngành giáo dục vất vả vì là lĩnh vực rộng , để làm được tốt thì phải có những điều kiện tốt mà đất nước còn nghèo nên cần phải biết cách làm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình. Ảnh: MOET |
Bà Nguyễn Thị Bình nói, đổi mới giáo dục 10 năm mới có kết quả. Bởi vậy, trong khi làm phải tính từng năm một yêu cầu cái gì, phải làm gì; tới 2 - 3 năm đạt được mục tiêu gì để thấy được đang đi tới đâu.
Bà Bình cũng khuyên Bộ trưởng nên quan tâm nhiều đến giáo dục phổ thông, lấy đó làm cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ngoài ra, cũng cần tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, việc đổi mới chương trình phải rõ nét hơn, từ đó việc viết sách giáo khoa mới làm tốt.
Nhân dịp này, bà Bình tặng Bộ trưởng Nhạ cuốn sách “Hệ giá trị mục tiêu phát triển nhân cách người học”.
Thầy cô có quyền tự hào về những thành quả đã làm được
Cũng trong chiều nay, 18/11, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm và chúc mừng cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục.
Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi và chúc mừng ngành Giáo dục. Ảnh: MOET. |
Ông Nhân nhìn nhận thành quả 30 năm Đổi mới của đất nước có sự đóng góp âm thầm của ngành giáo dục. Ông nhắn nhủ với các thầy cô giáo: "Cho dù còn khó khăn, cho dù còn thiếu sót, chúng ta sẵn sàng nhận phê bình, góp ý của người dân nhưng chúng ta cũng có quyền ngẩng đầu tự hào về những thành quả đã làm được cho đất nước hôm nay”.
Trong bức thư chúc mừng gửi các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, nhân viên ngành giáo dục nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ viết:
“Các thầy cô giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành Giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém, chủ động đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và quản lý, nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động".
- Hà Phương
Xem thêm: