Một số người quan sát ngành thương mại điện tử mới đây lan truyền thông tin Tiki thành lập công ty TikiNow Smart Logistics nhằm phục vụ công việc giao nhận. Theo thông tin được chia sẻ, Công ty TNHH TikiNow Smart Logistics thành lập tháng 7/2019, được cho là bước chuẩn bị để Tiki chủ động trong việc vận chuyển hàng hoá đến tay người dùng của trang thương mại điện tử tiki.vn.
Bên trong một kho hàng của Tiki. |
Trước đó, nhiều thông tin đồn đoán Tiki sẽ hợp nhất với Sendo để cùng cạnh tranh với các ông lớn ngoại quốc như Lazada hay Shopee. Việc mở thêm một kênh giao hàng do chính Tiki vận hành được nhiều người cho rằng sẽ thuận lợi hơn cho Tiki trong kế hoạch hoạt động dài hạn về sau, kể cả khi có sáp nhập hay lên sàn.
Trả lời ICTnews, đại diện Tiki cho biết TikiNow Smart Logistics được thành lập vào tháng 9/2019 do ông Henry Low Kwee Kok làm CEO. TikiNow Smart Logistics là công ty con của Tiki, sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động giao nhận của Tiki và có thể sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển B2C, B2B2C cho các doanh nghiệp khác.
Việc Tiki tách hẳn mảng giao nhận thành công ty con chứng tỏ start-up này đánh giá cao vai trò của logistics trong toàn chuỗi kinh doanh của họ.
Trước đó, hồi đầu tháng này, một email cho thấy Tiki gửi đến các nhà bán hàng cho biết sẽ ngừng mô hình ODF, nhà bán hàng giao kho. Thông thường, các nhà bán hàng trên Tiki có thể gửi hàng ở kho của Tiki để đơn vị này giao cho khách mỗi khi có đơn. Tuy nhiên Tiki cho biết sẽ dừng mô hình này, sẽ có nhân viên giao hàng đến tận nhà bán để lấy hàng giao, thay vì lưu kho như trước.
Nhiều người đánh giá đây là bước khởi đầu để Tiki xây dựng đội ngũ giao hàng riêng, tự tin về nhóm nhân sự này đủ mạnh để toả đến từng nhà bán để lấy hàng và giao cho khách mỗi khi phát sinh đơn. Dĩ nhiên việc này đòi hỏi Tiki phải xây dựng được một đội ngũ giao hàng hùng hậu.
Về việc này, người làm truyền thông cho Tiki trả lời ICTnews cho biết email đó chỉ mang tính chất khảo sát, sau khi nhận thấy nhiều nhà bán hàng chưa đồng tình với phương án đó, Tiki đã vẫn tiếp tục hoạt động theo mô hình cũ, vẫn duy trì mô hình nhà bán hàng giao kho như trước.
Dù vậy, với việc lập hẳn một công ty chuyên giao nhận cho thấy Tiki có mong muốn chủ động trong việc vận chuyển hàng hoá, đồng thời có thể phục vụ được các khách hàng bên ngoài.
Dù chính thức thành lập tháng 9/2019 nhưng trên thực tế ông Henry Low Kwee Kok, một người có kinh nghiệm làm việc ở Amazon Trung Quốc, đã gia nhập Tiki và xây dựng đội ngũ giao hàng từ trước đó.
TikiNow Smart Logistics sẽ hoạt động mạnh mẽ ở 6 thành phố lớn ở ba miền của Việt Nam, nơi có các kho của Tiki. Ngoài ra, công ty này vẫn phải làm việc với các đối tác giao hàng khác để phục vụ công việc logistics cho trang Tiki.vn.
Thương mại điện tử tại Việt Nam được xem là cuộc đua đốt tiền. Rất nhiều doanh nghiệp nội, ngoại mặc dù có tiềm lực nhưng đều đã rời cuộc chơi. Tại Việt Nam hiện nay, chỉ còn lại 4 trang thương mại điện tử tổng hợp lớn, gồm Tiki, Sendo, Lazada, Shopee. Trong đó, hai cái tên đầu tiên là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam, đều đã nhận các nguồn vốn nội, ngoại rất lớn để cạnh tranh với hai ông lớn còn lại của khu vực.
Tiki được cho là có cổ phần lớn nhất từ JD.com, nền tảng thương mại điện tử khổng lồ tại Trung Quốc. Lazada cũng được Alibaba, đối thủ của JD.com, hậu thuẫn. Trong khi đó, Shopee có vốn lớn từ SEA, công ty đầu tư vào AirPay, Foody tại Việt Nam. Sendo ban đầu được FPT rót vốn, sau đó kêu gọi được các khoản đầu tư lớn từ nhiều nhà đầu tư khác nhau đủ để tham gia cuộc chơi 4 trang thương mại điện tử hàng đầu.
Theo Báo cáo về nền kinh tế Internet Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt 4,6 tỷ USD. Con số này mới chỉ góp khoảng 5% trên tổng quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 23 tỷ USD. Với tiềm năng này, nhiều công ty trong và ngoài nước đã nhảy vào, thi nhau “đốt tiền” để giành thị phần. Tiki được giới quan sát kỳ vọng sẽ trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam sau VNG - kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam, cũng là công ty rót vốn vào Tiki.