Tối 20/7, Dubai International Chamber (Phòng Quốc tế Dubai), cơ quan của Đại hội đồng Thương mại Dubai (Dubai Chambers), Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE, chính thức mở cửa văn phòng đại diện tại TP.HCM.
Sau Singapore và Indonesia, đây là văn phòng quốc tế thứ ba của Dubai Chambers tại khu vực Đông Nam Á.
TS. Bader Abdullah Al Matrooshi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của UAE tại Việt Nam, khẳng định, mở Văn phòng Quốc tế Dubai tại Việt Nam là một trong những bước đi quan trọng của UAE nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai quốc gia. Đây như cửa ngõ để doanh nghiệp Việt tiếp cận các thị trường mới nổi, đồng thời hỗ trợ các công ty Dubai vào Việt Nam.
Theo thống kê của Hải quan Dubai, giá trị thương mại song phương giữa Việt Nam và Dubai đạt mức ấn tượng là 7,7 tỷ USD trong năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Dubai gồm điện tử (5,15 tỷ USD); giày dép (564 triệu USD); máy móc (375 triệu USD); cùng các sản phẩm dệt, may mặc, nội thất, trái cây, cà phê, trà...
Chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu đáng chú ý của Việt Nam từ Dubai là thuốc lá (92 triệu USD); thức ăn gia súc (38 triệu USD) và nhôm (33 triệu USD)...
Tính tới 31/5/2023, đã có 170 công ty Việt Nam đăng ký làm thành viên của Dubai Chambers. Một số lĩnh vực tiềm năng đầu tư tại Việt Nam là nông nghiệp, xây dựng, du lịch sinh thái, chế biến thực phẩm và năng lượng tái tạo.
Trao đổi với PV. VietNamNet, Phó Chủ tịch Thị trường toàn cầu Dubai Chambers, ông Salem Al Shamsi, đánh giá, TP.HCM là một thành phố năng động, có vị trí chiến lược trong thu hút đầu tư. Văn phòng Quốc tế Dubai tại Việt Nam sẽ đóng vai trò kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ giữa Việt Nam với Dubai mà còn với 21 văn phòng quốc tế khác nằm rải rác toàn cầu.
"Với các thông tin hợp pháp được chuẩn bị đầy đủ, chỉ mất vài tiếng, một doanh nghiệp Việt có thể hoàn tất thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh tại Dubai", ông Salem Al Shamsi nói.
Dubai là một trong những vùng đất thịnh vượng bậc nhất thế giới, nơi sinh sống của giới siêu giàu hay tỷ phú USD. Hồi tháng 1, Quốc vương Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum đã công bố Chương trình kinh tế Dubai, còn gọi là D33, với tổng trị giá lên tới 32.000 tỷ dirham (tương đương 8.700 tỷ USD). Kế hoạch này sẽ tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế của Dubai trong thập niên tới, củng cố vị thế của Dubai trong top 3 thành phố hàng đầu thế giới.