Kiểm toán nhà nước mới đây đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc cung cấp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử phục vụ hoạt động kiểm toán.
Về đề nghị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến, giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Kiểm toán nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, lồng ghép nội dung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu số phục vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước vào dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia.
Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia đang được Bộ TT&TT chủ trì xây dựng. Trong ý kiến chỉ đạo hồi cuối tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT tiếp thu, trao đổi, lấy ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thống nhất để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2022.
Báo cáo về Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc những năm gần đây đều nhận định dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong phát triển các dịch vụ hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Và chia sẻ dữ liệu là điều kiện tiên quyết để cung cấp dịch vụ số, đơn giản hóa quy trình, thay đổi mô hình tổ chức, cách thức cung cấp dịch vụ.
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi giữa tháng 6/2021 cũng đã khẳng định quan điểm phát triển dữ liệu trong Chính phủ số: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”.
Bộ TT&TT đã liên tục đôn đốc, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương xây dựng các cơ sở dữ liệu cũng như kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống. Bộ TT&TT cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Nền tảng này đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và dần trở thành một nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ số.
Trong năm 2022, tổng giao dịch qua nền tảng NDXP khoảng 860 triệu, tăng gần 5 lần so với năm ngoái. Trung bình 1 ngày có khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch qua nền tảng số này. Tuy vậy, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu 2 chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện còn nhiều vướng mắc. Để tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu, Bộ TT&TT đã xác định năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số Việt Nam.
Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, một trong những tồn tại, hạn chế của chuyển đổi số thời gian qua là dữ liệu còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất; các cơ quan chưa chủ động, tự nguyện chia sẻ dữ liệu.
“Dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số nhưng hiện vẫn rời rạc, cục bộ, chưa có sự thống nhất. Chúng ta còn nghĩ đến lợi ích của ngành mình nhiều hơn là lợi ích chung của quốc gia”, Thủ tướng nhận định.
Gần nhất, tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ rõ, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, còn tình trạng “cát cứ thông tin”.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, với các nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.