Khu dưỡng lão nghệ sĩ nằm tại số 314/65 đường Âu Dương Lân, phường 3, Quận 8, TP.HCM. Tên đầy đủ là Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu, ngoài ra còn được gọi là Viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Từ khóa "Khu dưỡng lão nghệ sĩ" cho ra hơn 34 triệu kết quả trong 0,62 giây trên công cụ tìm kiếm Google. Trong đó, hàng nghìn bài báo lấy từ khóa này làm chủ đề. 

Đây cũng là nơi lui tới thăm viếng, tặng quà của các đoàn từ thiện, hội nhóm sinh viên, các nghệ sĩ. Thậm chí, nhiều gương mặt năm nào cũng ghé như Bạch Tuyết, Trịnh Kim Chi, gia đình cố nghệ sĩ Lý Huỳnh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng...

mt13aaa-1.jpg
Mỹ Tâm năm nào cũng thăm Khu dưỡng lão nghệ sĩ. Ảnh: Hòa Phạm

Độc nhất vô nhị trên thế giới

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thế giới chưa từng ghi nhận công trình nào tương tự Khu dưỡng lão nghệ sĩ và Nghĩa trang nghệ sĩ ở Việt Nam.

Sau năm 1975, Nhà nước giao 2 soạn giả Mai Quân, Việt Thường thành lập Ban Ái hữu trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM, mời NSND Phùng Há làm cố vấn.

Tất cả thành viên nhiều lần thảo luận về mong muốn có một khu dưỡng lão dành cho những nghệ sĩ già yếu, bệnh tật. Bởi họ nhận ra trong khi các nghề khác càng làm càng thăng tiến, nghệ sĩ sân khấu xuất phát điểm từ đào, kép chánh rồi kết thúc sự nghiệp ở đào mụ, kép lão. Lúc đó, phần lớn người mới nhận ra mình không còn gì ngoài tuổi già, đau yếu và sự cô đơn.

Dịp nọ, từ một bác sĩ, Phùng Há và các nghệ sĩ biết được có một khu đất rộng 4.000m2 bỏ trống nhiều năm của Nhà An dưỡng Quận 8. Vì vậy, ban gửi đơn đến UBND TP.HCM, sau hơn 1 năm thì được cấp đất. Tuy nhiên, gần 2 năm sau đó, ban vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng.

Cùng thời điểm, có một số bệnh viện cần miếng đất này nên các thành viên đều sốt ruột. Phùng Há quyết định viết thư gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhờ giúp đỡ.

vip temp file image repair 1709133153466.jpg
Hình ảnh quen thuộc mỗi khi vào Khu dưỡng lão nghệ sĩ (Quận 8, TP.HCM).

"Tôi khi ấy còn nhỏ, đâu dám chen vào bậc trưởng thượng. Có chăng, tôi nhờ ông Hai Tân xin hẹn để má tôi - bà Bảy Nam, bà Phùng Há và ông Năm Châu gặp được ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) mà thưa qua những khó khăn", NSND Kim Cương nói với VietNamNet.

Nhờ vậy, sau đó, UBND TP.HCM cấp phép xây dựng Khu dưỡng lão nghệ sĩ. Ngày 7/3/1998, Khu dưỡng lão nghệ sĩ chính thức khánh thành với 25 phòng cho nghệ sĩ, công nhân sân khấu, bao gồm 1 phòng cho tạp vụ và 1 phòng cho lao công.

Công trình hoàn thành nhưng còn thiếu thốn nhiều mặt. Tất cả nghệ sĩ phải vận động khắp nơi, trong đó cố NSƯT Nam Hùng đã xin được hơn 2.000 cây kiểng và hoa. Đặc biệt, có 3 cây tùng mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bà Phùng Há và ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp ghi nhớ công ơn những người xây nên nơi này. 

Tám nghệ sĩ lão thành đầu tiên vào đây ở gồm nghệ sĩ hát bội Mười Vàng, vợ 'quái kiệt' Ba Vân, nghệ sĩ Ngọc Sương, Ngọc Đáng, Văn Sa, Lệ Thẩm, họa sĩ Hoài Nam và công nhân sân khấu Huỳnh Thị Nhãn. Trừ Ngọc Đáng, họ đều đã tạ thế.

Từ nay chỉ còn là dĩ vãng

Từ năm 1998 đến nay, sau gần 30 năm tồn tại, Khu dưỡng lão nghệ sĩ đã hoàn thành sứ mệnh. Nhiều nghệ sĩ cảm thấy buồn tiếc, luyến lưu.

424851647 7102946116459238 1995251908529065339 n.jpg
Lý Hùng và đại gia đình đến thăm các nghệ sĩ lão thành.

Soạn giả Đức Hiền - quản lý Khu dưỡng lão nghệ sĩ 17 năm - đã nhìn ngắm nơi này hồi lâu khi các nghệ sĩ hoàn toàn rời đi. Nhìn cảnh sắc vắng lặng, ông không khỏi bùi ngùi. 

Ông cũng như tất cả người từng sống ở đây đều yêu thương, thấy thân thuộc 'từ cái cây tới con chó'. Riêng 8 con chó trong khu này, ông đang phải tìm người tặng. 

Diễn viên Lý Hùng - năm nào cũng cùng mẹ và các anh chị em đến thăm - thấy hụt hẫng. NSND Lý Huỳnh sinh thời rất yêu quý các đồng nghiệp ở Khu dưỡng lão nghệ sĩ. 

Khi lâm bệnh nặng, ông vẫn căn dặn các con tu sửa nơi này để các đồng nghiệp cùng thời sống tốt hơn như tâm nguyện cuối cùng. Sau khi ông mất, gia đình dùng hơn 1 tỷ đồng (trong đó vợ con Lý Huỳnh góp 500 triệu đồng - PV) tu sửa nơi này.

Dù vậy, họ đều chung suy nghĩ sức khỏe của các nghệ sĩ lão thành quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Trung - Chánh văn phòng Hội Sân khấu TP.HCM - nói với phóng viên, việc đưa các nghệ sĩ lão thành sang Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè là cấp thiết vì điều kiện chăm sóc y tế và chế độ dinh dưỡng tại Khu dưỡng lão Quận 8 hiện không còn đảm bảo.

W-20240227-093643-1.jpg
NSND Kim Cương thăm Diệu Hiền ở Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Ảnh: Mỹ Loan

"Để các cô chú, anh chị sang nơi ở mới, làm sao chúng tôi không buồn nhưng vì điều kiện sống ở nơi cũ bây giờ không chấp nhận được nữa. Lỡ họ có chuyện gì, chúng tôi phải ân hận cả đời mất. Và dù ở đâu, Hội cũng không bao giờ xa rời các cô chú, anh chị cả", ông cho hay.

NSND Kim Cương chia sẻ: "Ai cũng muốn giữ Khu dưỡng lão nghệ sĩ nhưng đặt giữa lợi ích của nhân dân và vài chục anh em nghệ sĩ, nếu cần vẫn phải hy sinh".

Bà nói thêm ngay cả khi từ đây Khu dưỡng lão nghệ sĩ chỉ còn là chuyện kể trong lịch sử, việc chỉ Việt Nam có công trình 'có một không hai' trên thế giới vẫn là điều đáng tự hào. 

Tâm sự với VietNamNet, NSƯT Diệu Hiền nói từ hơn 20 người, khu đất rộng hàng nghìn mét vuông tự khi nào chỉ còn vỏn vẹn 6 người.

Các nghệ sĩ Mỵ Lan, Thiên Kim, Hải Quang, Lệ Thẩm, Ngọc Hương... đến Khu dưỡng lão nghệ sĩ an hưởng quãng cuối cuộc đời rồi kết thúc 'phận tằm' cũng tại nơi này. Mỗi năm qua đi, bà ra vào lại thấy vắng đi vài gương mặt. 

Người già chung sống đôi khi không tránh khỏi buồn tủi, hờn dỗi. Chẳng hạn người này được con cái thăm nhiều hơn, người kia lên xuống lầu vẫn nhanh khỏe, người nọ ca còn hơi hám... nhưng vắng ai lại rất buồn. 

Ngày trước, Diệu Hiền nói với phóng viên đã quen với việc chứng kiến từng người lần lượt ra đi. Trải qua thăng trầm trong cuộc đời, họ hiểu 'sinh, lão, bệnh, tử' là quy luật tất yếu, người này mất sẽ có người khác vào. Ai cũng đặt sẵn trong đầu câu "Một ngày nào đó cũng tới lượt mình thôi" để sống tiếp. 

Song trong những ngày này, họ thấy nhớ nhiều những gương mặt khuất núi. Gặp ai, họ cũng nhắc đi nhắc lại những cái tên Thiên Kim, Lệ Thẩm... 

Mỹ Tâm và fan song ca 'Chim trắng mồ côi' tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ