Bộ GTVT và các tỉnh thành, cơ quan liên quan đang tập trung rà soát, huy động nguồn lực, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, đầu tư mở rộng 12 tuyến cao tốc, trong đó có 5 tuyến 2 làn xe.
Sau công điện của Thủ tướng về việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, triển khai các bước của quá trình đầu tư.
Cụ thể, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề nghị đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc.
Theo Bộ GTVT, Bộ và các tỉnh thành, cơ quan liên quan đã và đang rà soát, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 12 tuyến cao tốc đang khai thác (5 tuyến 2 làn xe và 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục).
Hiện cả nước có 5 tuyến cao tốc khai thác với quy mô 2 làn xe gồm: La Sơn - Hòa Liên, Hòa Lạc - Hòa Bình, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Cam Lộ - La Sơn.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, việc đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc có quy mô hoàn chỉnh cần chi phí lớn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã có báo cáo về kế hoạch nâng cấp quy mô 4 làn xe.
Đại diện Bộ GTVT thông tin thêm, tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên, Bộ đã báo cáo cấp thẩm quyền và được cân đối bố trí nguồn vốn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Bộ đang trình Thủ tướng chủ trương đầu tư để hoàn thiện theo các trình tự thủ tục liên quan, cố gắng khởi công vào cuối năm 2024, hoàn thành cuối năm 2025, đầu năm 2026.
Với tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình đã được Thủ tướng giao là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mở rộng tuyến với chiều dài 26km từ 2 lên 4 làn xe theo hình thức PPP. UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư để mở rộng tuyến này.
Với tuyến cao tốc Yên Bái - Lào Cai do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo VEC nghiên cứu đề xuất phương án mở rộng.
Với 2 tuyến cao tốc do Bộ GTVT quản lý gồm: Thái Nguyên - Chợ Mới, Cam Lộ - La Sơn, Bộ đang chỉ đạo 2 Ban quản lý dự án khẩn trương đề xuất phương án về nguồn vốn, phương thức đầu tư theo đúng quy mô quy hoạch.
Như vậy, sẽ có 5 tuyến cao tốc phân kỳ quy mô 2 làn xe được ưu tiên đầu tư trước. Các tuyến còn lại sẽ được Bộ tổng hợp, đề xuất phương án đầu tư để cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn.
Đối với các tuyến còn lại gồm: Cam Lộ - La Sơn (98 km), Thái Nguyên - Chợ Mới (40km), Mai Sơn - Quốc lộ 45 (63 km), Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43 km), Nghi Sơn - Diễn Châu (50 km), Nha Trang - Cam Lâm (49 km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101 km), Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam theo dõi lưu lượng phương tiện, nghiên cứu các giải pháp đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để điều tiết giao thông, xử lý kịp thời các sự cố tránh gây ùn tắc trên đường bộ cao tốc.
Đồng thời, Bộ GTVT đang rà soát, lập danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực (nguồn dự phòng trung hạn, nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương hàng năm hoặc trong kỳ trung hạn tiếp theo…).
Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, sơ bộ tổng nhu cầu vốn nâng cấp các tuyến đường cao tốc 2 làn xe khoảng 82.911 tỷ đồng. Căn cứ khả năng bố trí vốn, Cục Đường cao tốc Việt Nam dự kiến phương án đầu tư sắp xếp theo thứ tự ưu tiên gồm 3 nhóm.
Nhóm ưu tiên 1 sẽ tập trung mở rộng các đoạn trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên.
Nhóm ưu tiên 2 sẽ dành nguồn lực mở rộng các tuyến đang xây dựng: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Chơn Thành - Đức Hòa, Tuyên Quang - Hà Giang.
Nhóm ưu tiên 3 sẽ tiến hành mở rộng một số tuyến đang khai thác và đang chuẩn bị đầu tư: Hòa Bình - Mộc Châu cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai đang khai thác, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đang khai thác, cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới đang khai thác.