Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo tham vấn trung gian về “Đánh giá tình hình thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”.
Theo cổng thông tin Cục Điều tiết điện lực, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực như từng bước triển khai hạ tầng công nghệ hỗ trợ tự động hóa hệ thống điện, hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo; Nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện; triển khai chương trình công tơ điện tử; bước đầu triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện.
Sẽ đề xuất lộ trình phát triển lưới điện thông minh. Ảnh minh họa |
Các chuyên gia tư vấn đã đánh giá chi tiết các kết quả cụ thể đã đạt được trong giai đoạn vừa qua như việc cải thiện nâng cao tỷ lệ kết nối SCADA, triển khai hạ tầng đo đếm từ xa, triển khai trạm biến áp không người trực, trạm biến áp số, trung tâm điều khiển xa nhóm các nhà máy điện và nhóm trạm biến áp, cải thiện các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện (SAIDI, SAIFI, MAIFI), các dự án nghiên cứu, thí điểm công nghệ mới của các đơn vị điện lực.
Các chuyên gia tư vấn đã đánh giá hiện trạng phát triển lưới điện thông minh của Việt Nam theo các tiêu chí đánh giá thông dụng đang được sử dụng trên thế giới.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia tư vấn cũng đã trình bày kinh nghiệm phát triển lưới điện thông minh của một số nước phát triển trên thế giới thuộc tổ chức mạng lưới quốc tế về lưới điện thông minh ISGAN - International Smart Grid Action Network. Đồng thời, tư vấn cũng trình bày chi tiết cách thức đánh giá và những khuyến nghị ban đầu về 4 tiêu chí về phát triển lưới điện thông minh đang sử dụng phổ biến trên thế giới.
Cụ thể, tiêu chí về giám sát và điều khiển; Độ tin cậy cung cấp điện; Tích hợp các nguồn năng lượng phân tán và tiêu chí về phân tích dữ liệu. Theo đó, khuyến nghị đẩy nhanh tiến độ lắp đặt công tơ thông minh ở khu vực miền Nam, triển khai các tính năng phát hiện mất điện của công tơ thông minh, thiết lập các trung tâm lớn lưu trữ dữ liệu công tơ (Big data), thành lập thị trường điều chỉnh phụ tải điện, phổ biến ứng dụng di động và trang web theo dõi tiêu thụ năng lượng và mô hình nhà máy điện ảo;
Các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự được tiếp nhận để tiếp tục hoàn chỉnh lại các tiêu chí và đưa ra đề xuất kiến nghị, phù hợp sát thực tế hơn đối với lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Dự kiến hội thảo tổng kết về việc nghiên cứu, đề xuất lộ trình phát triển lưới điện thông minh cho giai đoạn tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới.
D.V
Vùng đô thị thông minh ở Việt Nam đang ở giai đoạn nào?
Liên kết vùng đô thị tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho vùng, quốc gia, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ở Việt Nam, việc phát triển vùng đô thị thông minh cũng bắt đầu được nhắc đến.