...Nhưng nếu chúng ta không thay đổi cách nghĩ của con người, thành phố sẽ sớm bị biến thành một rừng bê tông.
Cuốn sách đầu tay của KTS Võ Trọng Nghĩa mang tên "Vo Trong Nghia Architects" được in song ngữ Anh - Việt, vừa ra mắt tháng 2/2015 có lượng in lần đầu lên tới 10.000 bản - một con số thực sự ấn tượng với một tác phẩm chuyên ngành. Sách chuyên ngành vốn hiếm có ở Việt Nam, cuốn sách của KTS Võ Trọng Nghĩa đã cung cấp nhiều kiến thức căn bản và chuyên biệt về kiến trúc, cũng như xu hướng phát triển của kiến trúc đương đại.
"Chúng ta không thể ngăn cản con người mưu cầu một cuộc sống giàu sang, hay ngăn cản quá trình đô thị hóa và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, hành tinh của chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả không thể cứu vãn được. Đó là vấn đề mà các KTS cần góp phần giải quyết. Là những KTS trong thời đại này, nhiệm vụ quan trọng nhất chính là mang lại màu xanh cho Trái Đất". (KTS Võ Trọng Nghĩa).
Sách mới của KTS Võ Trọng Nghĩa, ra mắt tháng 2/2015.
Nhiều thành phố Châu Á đang ngày càng trở nên đơn điệu và mất bản sắc dưới tác động của đô thị hóa và thương mại hóa tràn lan. Diện tích cây xanh trong thành phố bị thu hẹp. Ở Việt Nam, các thành phố lớn như TP.HCM đang mất dần diện tích cây xanh, làm biến đổi nhiều mặt về môi trường sống cho trẻ em cũng như môi trường sống nói chung, chỉ có 0,25% tổng diện tích thành phố được phủ xanh. Lượng xe cộ quá tải gây ra tắc nghẽn giao thông cũng như các vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng khác. Nếu không có trải nghiệm du lịch, các thế hệ sau này lớn lên trong thành phố dễ dàng đánh mất sự kết nối với thiên nhiên, bị dồn tắc lại trong sự bức bí của không gian và hàng hóa thương mại đơn thuần.
Cuốn sách được chia làm 2 phần chính: Kiến trúc xanh và Kiến trúc tre. Mỗi phần đều trình bày các mẫu nhà đoạt giải thưởng và được biết đến nhiều nhất của KTS Võ Trọng Nghĩa, bao gồm bản vẽ thiết kế và thực tế công trình. Tác giả cũng không quên phần thuyết trình về các đặc điểm công trình, tính năng, khả năng tiết kiệm năng lượng và giải pháp cho các vấn đề tại đô thị, nông thôn, đến gần hơn với các trải nghiệm tự nhiên trong cuộc sống hiện đại.
Ở phần 1 Kiến trúc xanh, Võ Trọng Nghĩa đưa ra một số mẫu nhà trong thành phố (Stone House, House for Trees, S House, Stacking Green, Farming Kindergarten...), đưa cuộc sống sinh thái vào trong sự phát triển của thành phố, khiến cuộc sống hiện đại và cuộc sống thiên nhiên hòa quyện với nhau, nhiều không gian mở hơn để gia chủ có thể cảm nhận được các yếu tố tự nhiên như gió, ánh nắng mặt trời, nước và cây xanh. Các căn phòng luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên và thông thoáng. Tận dụng những đặc ân của thiên nhiên, người ở có thể tiết kiệm một lượng lớn năng lượng, tài nguyên và tiền bạc.
Công trình tre Vietnam Pavillion tại Thượng Hải EXPO 2010.
KTS Võ Trọng Nghĩa cho biết, thực tế là không nhất thiết phải sử dụng thép và bê tông cho tất cả các loại công trình. Điều này được tác giả trình bày ở phần 2 - Kiến trúc tre. Một số công trình như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, trường học (Wind & Water café, Bamboo Wing, Bamboobooth 2012, Factory Office Renovation....) hoàn toàn có thể được xây dựng bằng vật liệu sinh thái thân thiện hơn như tre.
Một số trở ngại khi sử dụng tre là sự không đồng đều về kích thước, chiều dài và tính chất hữu cơ... có thể được khắc phục bằng cách ngâm bùn hoặc hun khói, xử lý nhiệt, lắp ráp, nêm tre; tuy nhiên tre là vật liệu xanh của thế kỉ 21 nhờ khả năng hấp thụ CO2 tuyệt vời, khả năng phát triển nhanh chóng (một số loài cây để dùng được cần ít nhất 10 năm, nhưng tre lại chỉ cần 3 năm là đủ khả năng trở thành vật liệu xây dựng), kích thích nền kinh tế nông thôn, chi phí xây dựng thấp, đặc tính cơ học chắc, khỏe, nhẹ.
Võ Trọng Nghĩa là một trong những KTS hiếm hoi của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. "Vo Trong Nghia Architects" ra đời góp phần chia sẻ kiến thức không chỉ với các KTS trong và ngoài nước mà còn có thể là nguồn tham khảo quan trọng cho các chủ đầu tư tương lai. Một nền tảng chung về hiểu biết giữa chủ đầu tư và KTS đóng vai trò thiết yếu trong việc các công trình mới ra đời có đáp ứng được nhu cầu sử dụng, đồng thời giảm thiểu tác hại tới môi trường sống chung của tất cả chúng ta hay không?
Công trình Farming Kindergarten
Hồ Hương Giang