- Câu chuyện về một phần đất còn lại sau giải phóng mặt bằng trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) diện tích chỉ 1,7m2 được rao bán với giá 1 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Con đường “đắt nhất hành tinh” tiếp tục đặt ra những vấn đề cần giải quyết…
Bức tường được rao bán 1 tỷ đồng Bức tường được rao bán 1 tỷ đồng |
Người dân có quyền chuyển nhượng
Nhiều người đi qua đường Nguyễn Văn Huyên những ngày qua bất ngờ bởi dòng chữ rao bán diện tích đất chỉ vỏn vẹn 1,7m2 mặt phố với nội dung: “Sau khi GPMB, gia đình còn lại 1,7m2 đất, chiều dài 10,85m, chiều rộng 0,14m” kèm theo số điện thoại để người mua liên hệ. Thửa đất 1,7 m2 của gia đình ông Nguyễn Phương Châm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là phần còn lại trong tổng diện tích 60,2 m2 của gia đình ông Châm trước khi mở đường. Diện tích đất này vừa vặn đủ xây bức tường kích thước chiều ngang 14cm, chạy dài 10,85m bám theo mặt đường.
Đại diện UBND phường Quan Hoa cho biết, trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài mới mở qua phường này còn 25 trường hợp đất xen kẹt, không đủ điều kiện xây dựng. Theo quy định, những trường hợp hộ dân còn diện tích sau thu hồi, không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng thì người dân có quyền hợp thửa, hợp khối; tự thỏa thuận với nhau để mua bán. Nếu hộ liền kề bên trong có nhu cầu mua, giao dịch dân sự này có thể được tiến hành, vì đó là diện tích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, người hàng xóm kia là hộ nghèo, không đủ điều kiện để mua nên không thực hiện được hợp thửa. Theo tìm hiểu, ban đầu, người rao bán đưa ra mức giá 400 triệu đồng cho 1,7m2. Hiện tại, mức giá được đưa ra là 1 tỷ đồng.
Ông Trần Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý đô thị, quận Ba Đình cho hay, tại một số tuyến đường mới mở trên địa bàn quận Ba Đình cũng xảy ra trường hợp phần đất sau giải phóng mặt bằng còn lại quá nhỏ không đủ điều kiện xây dựng. Ông Dũng cho rằng, Quyết định 15/2014 của UBND thành phố Hà Nội về xử lý các trường hợp siêu mỏng, siêu méo đã tạo điều kiện cho người dân được hợp thửa theo hình thức mua bán nhà đất và hợp khối để đảm bảo về quy hoạch kiến trúc.
“Thời hạn hai hộ tự thỏa thuận là 30 ngày. Tuy nhiên, trên tuyến đường Trần Phú đoạn mới mở chúng tôi đã cho phép kéo dài thời hạn thỏa thuận đến hết tháng 8/2015 do một số lý do khách quan”, ông Dũng nói.
Có thể thu hồi cho mục đích công cộng
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà khẳng định, nếu hết thời hạn hai hộ liền kề tự thỏa thuận mà không thành thì nhà nước sẽ làm thủ tục thu hồi phần đất không đảm bảo kích thước xây dựng nhà trên đường Nguyễn Văn Huyên nói trên để làm các hạng mục công cộng. Đương nhiên khi đó, hộ dân liền kề bên trong cũng không được ra mặt đường mà phải chấp nhận như hiện trạng.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho biết, việc sử dụng các phần đất còn lại khi nhà nước thu hồi phải nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và đảm bảo công khai minh bạch.
“Sẽ không có chuyện chuyển nhượng đất này cho một cá nhân, doanh nghiệp nào vì như vậy sẽ vấp phải sự phản ứng của người dân đã chấp thuận giải phóng mặt bằng”, ông Công nói.
Theo một số chuyên gia, khi chuyển nhượng, người dân có quyền đưa ra mức giá để thỏa thuận. “Với trường hợp một hộ dân tại đường Nguyễn Văn Huyên nếu đưa ra giá 1 tỷ đồng cho 1,7m2 đất mặt đường tôi cho đó cũng là bình thường vì nếu toàn bộ phần đất của hộ liền kề bên trong sau khi nhận chuyển nhượng được ra mặt đường thì giá trị chung của cả lô đất sau hợp thửa sẽ rất cao”, đại diện một doanh nghiệp về bất động sản nêu ý kiến.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Công, sở dĩ để xảy ra tình trạng các hộ dân phải tự đi thỏa thuận với nhau vì đang có bất hợp lý trong đầu tư xây dựng một số tuyến đường, thiếu sự đồng bộ giữa làm đường và xây dựng tuyến phố. Hiện nay thành phố đã thành lập một số đoàn công tác trực tiếp làm việc với các quận để xử lý dứt điểm các trường hợp đất xen kẹt, siêu mỏng, siêu méo…
Theo quy định, khi làm đường, nếu đất sau thu hồi còn dưới 15m2 và không đảm bảo kích thước hình học để xây dựng thì phải lập phương án thu hồi nốt phần đất còn lại để phục vụ mục đích công cộng như bảng tin, vườn hoa, trạm chờ xe buýt…. |
Theo Tiền phong