“Luật chơi” mới trên thị trường quốc tế

“Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu cao, nhiều thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ… Xu hướng chung, tất cả các doanh nghiệp ở những thị trường này đều đòi hỏi các nhà cung cấp khi tham gia chuỗi cung ứng của họ phải đáp ứng yêu cầu về phát thải, năng lượng tái tạo. Nếu chúng ta không đáp ứng thì sẽ phải rời khỏi “cuộc chơi”, sẽ mất bạn hàng, mất khách hàng, mất thị trường, không thể cạnh tranh”, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn FPT Digital cảnh báo.

Anh ong Minh.JPG
Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn FPT Digital (Ảnh: FPT Digital).

Có thể thấy, chuyển dịch năng lượng đang trở thành “luật chơi” mới trên “sân chơi” toàn cầu. 

Các doanh nghiệp trên thế giới đều đang hướng tới chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, nỗ lực tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu lớn.

“Bên cạnh lợi ích tài chính còn có cả lợi ích phi tài chính. Đó là khi các doanh nghiệp có sự tiếp cận với xu hướng chuyển đổi năng lượng mới sẽ thúc đẩy rất nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, tạo ra năng lực cạnh tranh mới, tạo nên giá trị cốt lõi mới cho doanh nghiệp”, ông Minh phân tích.

Minh họa cho nhận định nêu trên, “sếp” FPT Digital dẫn ví dụ Tập đoàn Mitsubishi, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ cơ khí, hóa chất..., đã đưa ra cam kết dài hạn về việc chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Rất nhiều sáng kiến đã được người trong Tập đoàn đề xuất triển khai để đạt mục tiêu này.

Từ tầm nhìn của Tập đoàn, các đơn vị thành viên đưa ra kế hoạch chuyển dịch năng lượng của mình. Cơ chế thúc đẩy, khuyến khích từ Tập đoàn giúp các đơn vị thành viên/công ty con phát huy thế mạnh riêng. Có những đơn vị như Mitshubishi Heavy Industries còn đưa ra tầm nhìn sớm hơn Tập đoàn: Đến năm 2040 sẽ đạt Net Zero. 

“Chuyển dịch năng lượng không phải chỉ là một câu chuyện nói vui với nhau mà thực sự đã trở thành yếu tố bắt buộc, giúp doanh nghiệp giảm phát thải trong tương lai thông qua việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp, tuân thủ “luật chơi” chung của thị trường thế giới.

Trong bối cảnh chi phí vận hành sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió… những năm gần đây có xu hướng ngày một rẻ hơn, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn so với trước kia khi muốn chuyển dịch năng lượng. Việc đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo cũng được hỗ trợ bởi nhiều chính sách khuyến khích từ phía chính phủ, bao gồm các gói tài trợ, thuế và ưu đãi khác.

Trong dài hạn, doanh nghiệp áp dụng năng lượng xanh sẽ được nhà đầu tư đánh giá cao hơn do tiềm năng tạo ra lợi nhuận bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cao, có tỷ lệ phát thải thấp, trở thành doanh nghiệp chuyển đổi xanh, sẽ là "điểm cộng" trong mắt khách hàng, qua đó có thể xây dựng hình ảnh, thương hiệu tốt hơn, phát triển bền vững hơn”, ông Minh nói thêm.

Tuy nhiên, hành trình chuyển dịch năng lượng cũng có không ít thách thức. Chẳng hạn, chuyển dịch năng lượng đòi hỏi phải thay đổi nguồn vốn đầu tư, công nghệ sản xuất, cách thức vận hành, từ đó sẽ đi kèm sự gia tăng chi phí và sự phức tạp về kiến thức kỹ thuật. Đây đang là một trong những lý do khiến không ít doanh nghiệp ngại ngần.

Những bước đi ban đầu của Việt Nam

Một thống kê cho thấy, lượng năng lượng tiêu thụ của các ngành công nghiệp, sản xuất chiếm hơn 60% nhu cầu năng lượng tại Việt Nam. Nguồn năng lượng hóa thạch vẫn đang chiếm tỷ trọng cao.

Theo Giám đốc Tư vấn FPT Digital, Việt Nam đã có những bước đi ban đầu trong việc hướng tới chuyển đổi năng lượng quy mô quốc gia. Chúng ta đã thông qua Quy hoạch điện VIII, trong đó đặt ra những mục tiêu rất cao: Tỷ lệ điện tái tạo sẽ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030; và tới năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Đây là một sự đột phá, sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong giai đoạn tới. 

Chính phủ và các bộ/ban/ngành đã đưa ra cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió.... Chẳng hạn, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, hay Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục Sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển… Qua đó từng bước xây dựng và hoàn thiện dần hành lang pháp lý để thúc đẩy việc phát triển năng lượng tái tạo.

Rất nhiều “bài toán” đang được các cơ quan lập pháp tìm lời giải, chẳng hạn câu chuyện mua bán điện 0 đồng, cơ chế mua bán điện mặt trời… Thẳng thắn nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa hình thành được bộ tiêu chí cần thiết cho câu chuyện cơ chế, chính sách, khiến doanh nghiệp còn băn khoăn trong chuyện đầu tư.

“Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp chủ động hơn trên hành trình chuyển dịch năng lượng. Khi doanh nghiệp chủ động đi tiên phong thì sẽ có rất nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn vốn tài chính xanh… Ước tính chúng ta cần khoảng 86 tỷ USD trong giai đoạn đến năm 2030 để chuyển dịch năng lượng. Hiện đã có một số quỹ có những cam kết ban đầu về hỗ trợ nguồn vốn, tập trung vào những dự án, chương trình tiên phong. Nếu doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này sẽ rất thuận lợi để thực hiện dài hơi hơn câu chuyện chuyển dịch năng lượng”, ông Minh gợi ý.

Tại Việt Nam, hiện đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn bước đi trên con đường chuyển dịch năng lượng.

Ví dụ, Hòa Phát - doanh nghiệp sản xuất thép có dự án quy mô đầu tư rất lớn tại Dung Quất, khoảng 100ha, tổng vốn đầu tư 80 – 95 tỷ đồng. Ngay từ đầu khi triển khai, doanh nghiệp này đã đặt ra “bài toán” chuyển dịch năng lượng, thiết kế hệ thống giúp tối ưu năng lượng trong quá trình luyện thép, và hình thành một số nguồn năng lượng tự cung tự cấp giúp đạt khoảng 80% nguồn năng lượng tại chỗ cho hoạt động vận hành nhà máy. 

Vinamilk 1.jpg
Hệ thống năng lượng mặt trời tại Trang trại Vinamilk Quảng Ngãi (Ảnh: Vinamilk).

Hoặc Vinamilk, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đã đầu tư quy mô lớn để ứng dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió cho các trang trại. Có rất nhiều điểm cải tiến tuy nhỏ nhưng hữu hiệu. Ví dụ, thay thế từ hệ thống xe nâng cũ thành hệ thống mới, giúp giảm 60% lượng khí thải trong hoạt động; Tận dụng các nguồn phế thải từ chăn nuôi cung cấp nhiệt cho quá trình sấy cỏ, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và phát thải ra môi trường…

“Sếp” FPT Digital nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng là hành trình dài hơi mà các doanh nghiệp cần phải đi. Tuy nhiên, trước khi bước vào hành động cần tính toán rất cẩn trọng. Cần biết điểm xuất phát của mình ra sao, sử dụng những nguồn năng lượng gì, đâu là khu vực chiếm tỷ trọng lớn… Sau khi hiểu rõ hiện trạng thì xây dựng quy hoạch, xác định mục tiêu. Không thể đầu tư dàn trải mà cần có “bài toán” với những mục tiêu rất cụ thể, ví dụ thị trường A yêu cầu tiêu thụ ra sao, những mong muốn doanh nghiệp muốn đạt được là gì, khi sử dụng các nguồn năng lượng khác như năng lượng tái tạo, năng lượng mới thì phối kết hợp thế nào, tỷ trọng bao nhiêu…

“Có rất nhiều điểm cải tiến không nhất thiết phải đòi hỏi sự đầu tư quá lớn, mà vẫn có thể tối ưu, cải thiện hiệu quả. Chuyển dịch năng lượng là bài toán lớn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đi bằng những bước nhỏ ban đầu”, ông Minh nhận xét.

Nhìn ra thế giới, các doanh nghiệp đã có những bước đi rất xa, hướng tới nhiều công nghệ bản quyền, nghiên cứu và phát triển để tạo ra những giải pháp thay thế cho những nguồn năng lượng hóa thạch, nguồn năng lượng cũ.

“Quay lại với Việt Nam, trước khi chúng ta nghĩ tới “bài toán” có tính chất xa hơn, dài hơi hơn mà các doanh nghiệp trên thế giới đang tìm cách giải, ví dụ như tài chính carbon, thì chúng ta có lợi thế là người đi sau, có cơ hội sử dụng những giải pháp, công nghệ trên thế giới đã chín muồi, đã được kiểm chứng, đã được sản xuất quy mô lớn, giúp chúng ta có sự tiếp cận một cách phù hợp và có khả năng tối ưu cao hơn”, ông Minh nêu quan điểm cá nhân.

Chuyển đổi số: “Đòn bẩy” cho chuyển dịch năng lượng

Công nghệ nói chung, công nghệ số nói riêng là yếu tố rất quan trọng, mang tính chất “đòn bẩy” cho chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. 

điện mặt trời điện gió.jpg
Việt Nam đang thúc đẩy năng lượng sạch. Ảnh: Thạch Thảo

Thông qua công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, có thể kết nối toàn bộ hoạt động trên chuỗi cung ứng, và tìm ra những hướng đi mới, giải pháp mới cho việc sử dụng năng lượng.

Chuyển dịch năng lượng là “bài toán” quy mô lớn. Sẽ rất khó thu thập, theo dõi dữ liệu theo thời gian thực để phân tích, đánh giá và tối ưu việc sử dụng năng lượng nếu không ứng dụng công nghệ số. Với những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ, hiện IoT (Internet kết nối vạn vật) có thể giúp thu thập thông tin từ đa điểm, hoặc Big data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) có thể giúp tìm ra những điểm có thể chuyển dịch năng lượng.

“Khi chuyển dịch năng lượng thì chuyển đổi số sẽ là chiến lược mà các doanh nghiệp nên đặt ra và suy nghĩ. Cần kết hợp 2 câu chuyện chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số một cách hài hòa”, Giám đốc Minh nhận định.

Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng cao đã lựa chọn sử dụng giải pháp, nền tảng số để tối ưu quản lý năng lượng. Có thể kể đến, Wallmart đã triển khai nền tảng tối ưu quản lý năng lượng cho hơn 5.000 cửa hàng thuộc hệ thống của mình; Coca Cola thông qua việc triển khai giải pháp quản lý chuỗi cung ứng đã giúp giảm 25% lượng khí thải khí nhà kính…

“Thực ra chuyển dịch năng lượng là “bài toán” đặc thù đối với từng doanh nghiệp. Chúng ta không thể so sánh với các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới khi họ đi trước ta rất nhiều. Điều quan trọng với các doanh nghiệp ở Việt Nam là cần xác định vị trí của mình một cách chính xác, đưa ra định hướng ngắn hạn, 5 năm, 10 năm và dài hơn. Công nghệ có thể đóng góp một vai trò nhất định trên con đường đó. Trên thị trường có khá nhiều lựa chọn về giải pháp công nghệ. Cái khó nhất đối với doanh nghiệp là làm thế nào để chọn đúng thời điểm, đúng giải pháp và đúng mục đích của mình. Cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo trước khi quyết định đầu tư công nghệ”, ông Minh lưu ý.

“FPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam trong hoạt động giảm thiểu khí nhà kính. Chúng tôi đã đưa ra một loạt sáng kiến số thông qua rất nhiều chương trình mới tại doanh nghiệp, giúp tối ưu quản trị năng lượng. FPT đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể giảm khoảng hơn 13% lượng khí nhà kính. Chúng tôi cũng có thể mang công nghệ của FPT để hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong việc đo kiểm tiêu thụ năng lượng, kiểm kê khí nhà kính, đưa ra giải pháp để doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, hướng tới giảm phát thải carbon. Chúng tôi rất sẵn lòng tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình này”, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn FPT Digital chia sẻ thêm.