“Tôi đã mặc cả với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải giao tôi làm Chủ tịch tôi mới thực hiện quyền mua còn nếu không tôi không mua”, ông Phạm Quang Dũng, Phó chủ tịch Tổng CTCP Thăng Long chia sẻ liên quan đến vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước..

Trước đại diện Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp, đại diện Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, ông Dũng cho biết, đây là thời điểm thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

“Thị trường chứng khoán đang trong tình trạng èo uột, kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đang trong giai đoạn nước rút. Chính phủ sẽ mở rộng cửa để thu hút vốn hơn đối với cổ phần hoá”, ông Dũng nhấn mạnh.

{keywords} 

Theo đó, ông Dũng cho rằng, nếu nhà đầu tư đang nghiên cứu doanh nghiệp nào đó cần làm nhà đầu tư chiến lược thì sẽ cùng doanh nghiệp làm đơn, Chính phủ có thể sẽ xem xét cho phép mua bằng mệnh giá.

Ông Dũng dẫn trường hợp CTCP Thăng Long, nơi ông đã thực hiện mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược mới đây nói: “Tôi đã mặc cả với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải giao tôi làm Chủ tịch tôi mới thực hiện quyền mua còn nếu không tôi không mua”.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ra quyết định nếu nhà đầu tư mua cử họ làm Chủ tịch. “Khi chính thức có văn bản thì chúng tôi mới mua, điều này cho thấy nhà nước mở cửa hết cỡ”, ông Dũng khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp cũng cho biết, các doanh nghiệp nhà nước cần cố phần hoá còn nhiều, hầu hết là doanh nghiệp lớn và Việt Nam mong muốn nhà đầu tư chiến lược mua mạnh hơn nữa.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đến thời điểm này chậm so với yêu cầu dù đã có nhiều nỗ lực.

"Chậm không chỉ là số lượng doanh nghiệp được cổ phần hoá ít hoặc không đạt mục tiêu 432 doanh nghiệp trong 2 năm mà quan trọng là tỷ trọng cổ phần hoá. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp chỉ bán 5-10% đó là điều không thay đổi quản trị doanh nghiệp. Các cổ đông nắm chi phối thay đổi quản trị nhân sự mới thay đổi được", Bộ trưởng Vinh nói.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 10 sẽ có tổng kết doanh nghiệp nào không đưa vào niêm yết và đăng ký giao dịch sẽ đề nghị chủ sở hữu là các Bộ ngành nhắc nhở.

"Quá trình cổ phần hoá chúng tôi sửa đổi quy định xác định giá trị doanh nghiệp, xác định theo giá thị trường, không xác định theo giá sổ sách", ông Tiến cho hay.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Jardine Matheson Việt Nam hi vọng tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam diễn ra nhanh hơn. "Việt Nam trong phát triển chung muốn hội nhập toàn cầu và muốn đi tiên phong cần sự cải cách là doanh nghiệp nhà nước và họ cần đổi mới qua con đường cổ phần hoá, tư nhân hoá", ông Alain Cany chia sẻ quan điểm.

(Theo BizLIVE)