Sau thông tin ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) bị bắt, nhiều học viên và phụ huynh có con đang theo học tại các đơn vị thành viên của tập đoàn này bày tỏ lo lắng về quyền lợi của mình.

Theo thông tin từ Tập đoàn Egroup, ngay sau khi có thông tin bị khởi tố, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã tiến hành ủy quyền điều hành tập đoàn và Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame cho bà Nguyễn Thị Dung, là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Egame, thành viên Ban lãnh đạo của Tập đoàn Egroup.

Đồng thời, ông Thủy đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tại 2 doanh nghiệp này cho bà Dung theo điều lệ công ty và quy định của pháp luật.

shark thuy 1 1200.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thủy

“Trong mọi tình huống, Ban lãnh đạo luôn ưu tiên đảm bảo hoạt động ổn định tại các đơn vị thành viên như: Hệ thống trung tâm tiếng Anh Apax Leaders, Hệ thống trường mầm non STEAMe Garten, Hệ thống trung tâm đào tạo năng lực tư duy sáng tạo quốc tế CMS Edu… để đảm bảo quyền lợi học tập của các học viên, của khách hàng, đối tác và các cổ đông", đại diện Tập đoàn Egroup cho biết.

Ngày 26/3, Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án với ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần đầu tư và phân phối Egame, Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Egroup được "Shark" Thủy thành lập năm 2008. Hệ sinh thái của tập đoàn này trải rộng nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Trong đó, nổi bật nhất là Apax Holdings (IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, công ty duy nhất được niêm yết và thiết kế nhiều thương vụ đầu tư lớn.

Lùm xùm tại Trung tâm Apax Leaders bắt đầu từ tháng 9/2022, khi nhiều phụ huynh tại Đắk Lắk gửi đơn phản ánh tới các cơ quan chức năng về việc Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột đóng cửa nhưng không hoàn trả học phí. Các phụ huynh cho biết đã đóng hàng chục triệu đồng cho 12 tháng, nhưng con mới chỉ học 1 tháng, trung tâm này đã đóng cửa.

Tại thời điểm này, Ban lãnh đạo Apax Leaders khẳng định không có chủ trương “bỏ rơi khách hàng”, đồng thời gửi lời xin lỗi phụ huynh và hứa sẽ sớm mở cửa trở lại.

Chỉ 2 tháng sau, hàng chục phụ huynh tại Đồng Nai có con theo học tại Trung tâm Apax Leaders Biên Hòa cũng làm đơn khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng như cam kết, “giáo viên dạy hời hợt, thậm chí các khóa học đã được nửa thời gian mới đưa tài liệu cho học viên”. Các phụ huynh tại đây nhiều lần liên hệ, xin hoàn học phí với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng nhưng không nhận được phản hồi.

Trước sức ép của phụ huynh, Apax Leaders đề xuất được hoàn trả học phí thành 5 đợt, kéo dài 5 tháng, mỗi đợt 20%.

Đây cũng là thời điểm hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên cả nước như Apax Leaders TP.HCM, Apax Leaders Hà Nội, Apax Leaders Hà Tĩnh, Apax Leaders Khánh Hòa, Apax Leaders Hải Phòng… đóng cửa, bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh tố “ôm tiền bỏ rơi khách hàng” và yêu cầu hoàn trả học phí.

Chia sẻ trên VietNamNet thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết đã “không lường trước tác động của dịch Covid-19”. 

Thời gian sau, nhiều lần Shark Thủy họp với các phụ huynh có con theo học tại trung tâm, đưa ra lộ trình hoàn trả học phí. Sau khi xin được chuyển học phí đã thu thành các khoản vay có lãi, từ Đồng Nai đến Hà Nội, các phụ huynh đã đóng tiền đều có chung nguyện vọng sớm được hoàn tiền để cho con đi học ở chỗ khác. Thậm chí trên Facebook, nhiều phụ huynh lập nhóm “Hội nạn nhân của trung tâm Apax English” để chia sẻ thông tin với nhau.

Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều phụ huynh vẫn chưa được hoàn tiền và chia sẻ "đã cạn niềm tin" với việc đòi lại quyền lợi cho mình từ Apax Leaders.