Trước việc một số dự án nhà ở xã hội (NOXH) được bán sai đối tượng, làm sai lệch mục đích tốt đẹp của chính sách nhà ở này, các cơ quan quản lý cho biết sẽ kiểm tra chặt chẽ việc duyệt đối tượng mua nhà của chủ đầu tư.

“Lọt” người giàu mua NOXH

Không khó thấy hình ảnh xe ô tô, thậm chí có cả ô tô hạng sang đỗ tại các khu NOXH vốn dành cho người thu nhập thấp. Hình ảnh đó khiến dư luận không khỏi hoài nghi về đối tượng được mua NOXH.

Gần đây, thông tin 3 người nhà của lãnh đạo doanh nghiệp BIC - chủ đầu tư dự án NOXH Rice City, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội) “lọt” vào danh sách xét duyệt mua NOXH khiến dư luận đặt câu hỏi nghi vấn. Đại diện chủ đầu tư ban đầu phủ nhận thông tin này nhưng sau đó đã xác nhận và lý giải dù là người thân của chủ đầu tư nhưng vẫn đủ điều kiện được mua nhà do chưa sở hữu nhà.

{keywords}

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia lâm, Hà Nội) đã đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hàng nghìn hộ dân có thu nhập thấp.Ảnh: Nam Hoàng

Tuy vậy, đến khi Sở Xây dựng Hà Nội vào cuộc yêu cầu chủ đầu tư giải trình thì chủ đầu tư lấy lí do người mua nhà không nộp tiền nên bị cắt hợp đồng và trả lại hồ sơ, do đó không kịp photo hồ sơ của các đối tượng này để nộp cho Sở Xây dựng (!). Đến nay, sau 2 tháng phát hiện vụ việc, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn chưa đưa ra được kết luận kiểm tra sai phạm tại dự án NOXH Rice City.

Quy trình xét duyệt đối tượng mua NOXH được quy định tại Thông tư 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở. Theo đó, chủ đầu tư căn cứ vào thang điểm để chấm điểm cho các đối tượng đủ điều kiện mua, sau đó nộp danh sách lên Sở Xây dựng. Sở sẽ công khai danh sách lên trang web. Sau 15 ngày, nếu có ý kiến phản hồi, Sở sẽ có văn bản gửi chủ đầu tư. Còn nếu không có ý kiến gì thì chủ đầu tư sẽ được ký hợp đồng với người mua nhà. Sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng. Sở sẽ đăng danh sách này lên và đây là danh sách chính thức.

Việc người giàu lọt vào danh sách mua NOXH lâu nay người dân vẫn “truyền miệng” nhau, nhưng chỉ đến khi vụ việc Rice City được phản ánh mạnh mẽ trên báo chí, người ta mới thẳng thắn nói về vấn đề này. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội “bật mí” có chuyện chủ đầu tư tặng suất mua NOXH cho đại diện các cơ quan quản lý đã giúp đỡ họ trong quá trình thực hiện dự án.

Mặt khác, không ít trường hợp người mua NOXH chỉ nhằm “xí chỗ”, sau khi mua được nhà, họ bán suất cho người khác chứ không ở tại căn hộ đó. Điều này khiến những người thu nhập thấp thực sự có nhu cầu về nhà ở lại không được hưởng chính sách NOXH.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, một người dân tại chung cư EcoHome 1 (dự án NOXH tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi đang tính bán căn hộ hơn 70m2 của mình để mua căn khác gần trung tâm hơn. Hiện tiền chênh so với giá lúc mua đã lên đến 400 triệu đồng”. Chị này tiết lộ, thủ tục chuyển nhượng nhà chỉ viết tay vì theo quy định, phải sau 5 năm mới được bán căn hộ NOXH đã mua.

Một người dân tại TP Đà Nẵng bức xúc: “NOXH khi bán cho người thu nhập thấp nhưng sau đó họ chuyển nhượng cho nhau, người khác đến ở hoặc cho thuê lại thì cơ quan chức năng có quản lý được không? Tại Đà Nẵng, rất nhiều tòa nhà được bán theo hình thức NOXH nhưng nhiều người Hà Nội vào mua, không những thế họ còn cải tạo cho thuê. Vậy cơ chế luật pháp quy định ai là người giám sát điều này?”.

Trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư

Theo quy định hiện hành, việc xét duyệt NOXH cho các đối tượng chủ yếu thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Từ lúc bắt đầu nhận hồ sơ đến khi xem xét chấm điểm cho đối tượng thì chủ đầu tư quyết. Còn cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng chỉ hậu kiểm để tránh các đối tượng mua ở hai dự án.

Theo kết quả kiểm toán năm 2015 về NOXH vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, tại TP Hồ Chí Minh, 16,7% số căn hộ NOXH đang được sử dụng không đúng đối tượng, mục đích. Con số này tại Đà Nẵng là 35,5%. Kiểm toán Nhà nước cho biết, công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước còn chưa phát hiện, xử lý được một số sai sót trong việc xác định đối tượng mua nhà của chủ đầu tư và việc sử dụng căn hộ NOXH, dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng sai mục đích, đối tượng nhưng chưa bị xử lý theo đúng quy định.

“Việc trục lợi hay không trục lợi, qua kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ xác định cụ thể. Nếu có trục lợi sẽ xử lý vi phạm”, ông Bùi Tiến Thành, Phó phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết. Theo ông Thành, nếu chủ đầu tư bán nhà không đúng đối tượng thì nhà sẽ bị thu hồi, chủ đầu tư sẽ bị xử lý hành chính. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ bị liệt vào “danh sách đen”. Sở sẽ kiến nghị thành phố không giao thực hiện các dự án NOXH khác.

Thực tế, qua kiểm tra, Sở Xây dựng Hà Nội đã thu hồi 10 căn hộ sai phạm. Trong đó, 2 căn hộ chuyển nhượng trái phép và 8 trường hợp hộ gia đình đăng ký mua nhà 2 lần ở các dự án NOXH. Liên quan đến hiện tượng người dân ở nhà xã hội nhưng đi xe sang, Sở Xây dựng cho biết mới nắm thông tin qua báo chí chứ chưa kiểm tra.

Còn Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trên thị trường vẫn xảy ra tình trạng người thu nhập cao nhưng mua nhà thu nhập thấp. Sở nhận định, chủ đầu tư các dự án NOXH phải có nhiệm vụ xem xét từng hồ sơ đăng ký, đối chiếu với các quy định về đối tượng để lập danh sách những đối tượng được thuê, mua NOXH. Sau đó, gửi danh sách về Sở để kiểm tra. Sau những sự việc vừa qua, việc kiểm tra của Sở sẽ kĩ càng hơn.

Nhận xét về quy trình xét duyệt hồ sơ mua NOXH hiện nay, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, cái khó trong quy trình giám sát của cơ quan nhà nước là chủ đầu tư tự chấm điểm hồ sơ rồi sau đó nộp lên Sở Xây dựng để sở công bố trong 15 ngày. Vai trò của Sở Xây dựng ở đây khá mờ nhạt nên sẽ có nhiều trường hợp trục lợi từ các dự án NOXH.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường: Đối tượng mua nhà có thể đã có tài sản khác nhưng là đứng tên cho người nhà còn bản thân họ chưa có nhà. Do đó, rất khó phát hiện đối tượng không phù hợp. Ở Việt Nam, một người có thể đứng tên cho nhiều tài sản mà không bị đánh thuế cao như một số nước, tạo điều kiện cho đầu cơ.

Ông Trần Như Trung, Phó TGĐ Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô (chủ đầu tư dự án NOXH Ecohome tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội):

Bên cạnh việc thanh kiểm tra thì cần thay đổi cách làm hiện nay là giao toàn quyền xét duyệt hồ sơ cho chủ đầu tư vì như vậy sẽ dễ nảy sinh sai phạm ngay từ quy trình xét duyệt. Đồng thời, cần nhanh chóng có các giải pháp thúc đẩy chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo đô thị.

Thực tế hiện nay, một số người dân bất chấp các quy định của pháp luật để đạt mục đích sở hữu NOXH cũng thể hiện mặt trái của thị trường, đó là người cần nhà ở từ 700 triệu - 1 tỷ đồng quá nhiều. Việc này là sai quy định nhưng do nhu cầu phân khúc nhà ở này rất lớn nên người dân vẫn chấp nhận mua nhà mà quy trình mua bán không đúng quy định. Nếu chúng ta tăng cung NOXH cho thị trường thì sẽ khắc phục được tình trạng này.

Chuyên gia xây dựng Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Với chính sách NOXH như hiện nay thì việc xảy ra tình trạng trục lợi đã được dự đoán trước. Chính sách vẫn nặng tư duy bao cấp, Nhà nước ban phát nên ai cũng muốn nhận. Nên muốn làm tốt, chúng ta phải thay đổi chính sách NOXH. Do đó, chính sách NOXH nên tập trung hỗ trợ có trọng điểm thay vì dàn trải nhiều đối tượng. Như tại Mỹ, Chính phủ tập trung giúp đỡ các đối tượng là cảnh sát, hộ lý, sinh viên mới ra trường. Đó là những đối tượng vất vả, gặp khó khăn về nhà ở. Cái chính là chúng ta phải để thị trường tự điều chỉnh thay vì Nhà nước bao cấp. Nghĩa là phải tạo cơ chế để hình thành nên quỹ nhà phổ cập. Tôi không muốn dùng từ “nhà giá rẻ” mang tính phân biệt. Nhà phổ cập là nhà dành cho người có thu nhập trung bình (hàng tháng chi không quá 30% thu nhập cho nhu cầu về nhà ở), không khác biệt nhiều về hình thức so với các loại nhà ở khác. Với người thu nhập thấp, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất để họ có thể mua được loại nhà phổ cập này. Làm nhà ở phổ cập lợi nhuận không cao nhưng làm đến đâu bán hết đến đấy thì sẽ thu hút các chủ đầu tư. Còn làm theo cơ chế xét duyệt như hiện nay thì sẽ thiếu minh bạch, tạo điều kiện nảy sinh lợi ích nhóm, chạy chọt.

Theo Báo Tin tức