Không có việc làm, không có tiền tiêu… nhiều người khi được các đối tượng mua bán người dụ dỗ ngon ngọt như: Tìm việc nhẹ lương cao; ra nước ngoài lấy chồng không phải làm gì vẫn có tiền tiêu; hoặc chỉ cần tìm được phụ nữ đưa sang Trung Quốc bán lấy chồng sẽ được trả công hàng chục triệu đồng…. thế là các nạn nhân “nhẹ dạ, cả tin” đều sập bẫy của bọn “buôn người”.

 Phan Văn Hoà (giữa) là một trong 3 đối tượng nằm trong đường dây mua bán người bị  BĐBP tỉnh Bạc Liêu bắt giữ tại chuyên án BL922 năm 2022. 

Cuối năm 2022, nghe theo lời một người bạn nói đi làm công việc có thu nhập cao, Sùng A.L ở xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đã không ngần ngại đã đi theo, nhưng khi đến nơi anh mới biết là mình đang ở một sòng bạc tại Campuchia. Và từ đây, A.L mới biết công việc “có thu nhập cao” như thế nào. A.L kể, khi vào đây, nếu không thực hiện theo yêu cầu của họ thì họ không cho ăn uống gì hết, đã thế lại bị đánh đập. Vì thế, nhiều người không chịu nổi đã phải trốn ra ngoài.

Về phía gia đình A.L, kể từ ngày anh đi, cả nhà không ai liên lạc được với anh cả. Họ chỉ nhận được cuộc gọi của đối tượng lạ nói A.L đang ở Campuchia và nếu muốn đưa anh về thì gia đình phải nộp tiền chuộc 400 triệu đồng.

Không bị dụ dỗ đi làm “việc nhẹ, lương cao” như A.L, nhưng thông qua mạng xã hội Facebook, A.M (quê ở Mù Căng Chải, Yên Bái) được một người đàn ông có tên A.D (ở Lào Cai) làm quen rồi tán tỉnh yêu đương và nói muốn lấy cô làm vợ. Sau 2 tháng quen nhau, D. điện thoại rủ M. lên Lào Cai thăm nhà, D. kể với M. là nhà anh có cửa hàng bán quần áo bên Trung Quốc và rủ M. sang chơi. Khi thấy M. đồng ý, D. đã đi xe máy đến Mù Cang Chải để đón M. đưa lên Lào Cai. 

Trên đường đi, D. đã bí mật liên lạc với đồng bọn để làm giấy thông hành đưa M. sang Trung Quốc. Khi lên đến Lào Cai, D. không trực tiếp đưa M. đi mà giao M. cho 2 người khác để họ làm thủ tục đưa M. sang bên kia biên giới rồi tiếp tục bàn giao cho một người đàn ông khác và được người này đưa đếnphòng trọ tại huyện Hà Khẩu (Trung Quốc). Lúc này M. mới phát hiện mình đã bị lừa bán. Rất may, sau đó, lợi dụng lúc sơ hở, M. lấy sổ thông hành và trốn ra cửa khẩu về Việt Nam…

Đây là 2 trong số rất nhiều câu chuyện của nạn nhân kể lại sau khi thoát khỏi bàn tay của tội phạm mua bán người. 

Nhiều nạn nhân bị lừa bán cho biết, họ bị dụ dỗ ngon ngọt với lời hứa đưa đi chơi rồi tìm việc làm nhẹ nhàng có thu nhập cao. Còn những nạn nhân trở thành tội phạm mua bán người thì bị cám dỗ bởi tiền, với lời hứa tìm người đưa đi sẽ cho tiền để trả nợ. Thậm chí có những người bị lừa bán khi quay về lại trở thành tội phạm mua bán người vì đã tham gia vào đường dây môi giới, dẫn dắt của chúng… mà chung quy lại cũng chỉ vì lời hứa… được cho tiền.

Thế nên, việc mua bán người được coi là “miếng bánh ngon” của bọn “buôn người”. Để thực hiện các phi vụ trót lọt, chúng đã “thiên biến vạn hoá” đủ các hình thức khác nhau nhằm che mắt cơ quan chức năng. 

Thay vì trực tiếp tiếp cận và làm quen với nạn nhân, hiện nay, nhiều đối tượng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat…, tạo “nick” ảo, cá biệt có đối tượng lấy hình ảnh sĩ quan Quân đội, Công an làm ảnh đại diện để tạo niềm tin dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân.

Vì siêu lợi nhuận nên các đối tượng mua, bán người thời gian qua thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với các lực lượng thực thi pháp luật, hình thành nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều nạn nhân chỉ nhận ra mình là món hàng cho đến khi bị đưa sang bên kia biên giới như nạn nhân A.M ở Yên Bái là một ví dụ.

Theo Đại tá Tống Chính Phúc, Trưởng phòng Phòng, chống ma tuý và tội phạm (BĐBP tỉnh Lào Cai), thủ đoạn lừa của các đối tượng mua bán người rất tinh vi. Chúng thường sử dụng điện thoại và các trang mạng xã hội để làm quen và qua nhiều khâu giới thiệu, từ người giới thiệu thứ nhất, rồi người thứ 2, đến người thứ 3… nạn nhân từ chỗ quen biết và bị lừa bán đi, đến khi nhận ra mình bị lừa bán thì cũng không xác định được đối tượng lừa bán mình là ai, ở đâu. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết, do tác động của dịch Covid-19 tới việc làm nên đã xuất hiện các đường dây tội phạm mua bán người với các thủ đoạn dụ dỗ như “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép để ép buộc lao động bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả 1 số tiền chuộc lớn….

Các chị em phụ nữ thường được giới thiệu đi lấy chồng nước ngoài sẽ thay đổi cuộc sống, cuộc đời nên nhiều chị em nhẹ dạ nghe theo.

Có rất nhiều lí do để trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Cũng có vô vàn lý do để trở thành kẻ nhẫn tâm lừa gạt, mua bán đồng loại mình như những món hàng, thậm chí có những người từ nạn nhân được giải cứu hoặc trốn thoát thành công nhưng sau đó lại trở thành kẻ phạm tội. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là lợi nhuận.

Đàm Xuân An, Đào Thị Lý, Lê Anh Dũng