Từ năm 2019, Trường ĐH Tôn Đức Thắng bắt đầu đào ngành Golf với khung chương trình được nhập khẩu từ Trường ĐH Chung-Ang, Hàn Quốc. Mức học phí từ 40-50 triệu đồng/năm học. Mỗi khoá trường tuyển khoảng 20 sinh viên.
Nguyễn Anh Nam, sinh viên năm thứ 4, từng rất đắn đo khi chọn golf vì đây là một ngành rất mới. Bản thân Nam chưa từng chơi hay tiếp xúc với golf. Thế nhưng sau khi tìm hiểu chương trình đào tạo và được gia đình ủng hộ, cùng với sở thích khám phá những điều mới lạ, Nam quyết định đăng ký học ngành này.
Cùng học năm thứ 4, sinh viên Nguyễn Xuân Tiến Đạt chia sẻ, ngoài những môn học đặc thù như Sinh lý học vận động, Phân tích vận động trong golf, sinh viên còn được học kỹ năng thực hành đánh golf 3D, kiểm tra kỹ thuật ngoài sân thực tế với chuyên gia nước ngoài.
Ngoài kiến thức các thầy cô giảng dạy, Đạt tự rèn luyện thể lực để nâng cao kỹ năng đánh golf và trau dồi ngoại ngữ.
Khả năng ngoại ngữ sẽ giúp sinh viên mở rộng thêm cơ hội làm việc với các doanh nghiệp quốc tế sau khi tốt nghiệp. Có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp như huấn luyện viên, kinh doanh dịch vụ golf, chuyên viên tổ chức sự kiện golf… Đạt dự tính ra trường sẽ trở thành huấn luyện viên.
Theo Đạt, golf là bộ môn thể thao đòi hỏi tính kiên trì, sự thành thật và đề cao văn hoá ứng xử trên sân. Ngoài tập luyện về mặt kỹ thuật, người chơi luôn phải trau dồi kiến thức về luật golf và học hỏi cách ứng xử văn minh trên sân.
"Em mong rằng những ai yêu thích và có niềm đam mê chơi golf cùng nhau tạo nên một văn hoá chơi golf văn minh và thân thiện. Cần tự hiểu rằng khi ra sân chơi hoặc luyện tập thì trọng tài cũng chính là người chơi. Vậy nên người chơi phải trung thực và có ý thức tự giác cao” - Đạt nói.
Sinh viên tốt nghiệp sẽ có thu nhập cao
Theo ông Võ Minh Hiếu, giảng viên ngành Golf, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhu cầu lao động trong thị trường golf tại Việt Nam hiện nay rất lớn. Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên môn về huấn luyện golf, tâm lý học trong golf, luật chơi và thể thức thi đấu, kinh doanh và tổ chức sự kiện…
Sinh viên ra trường có thể trở thành huấn luyện viên cá nhân, chuyên viên tổ chức các sự kiện golf, hoặc nhà quản lý sân golf tại các khu resort, chuyên viên vận hành phòng golf 3D.
Đã được trang bị đầy đủ kiến thức, lý thuyết tại trường nhưng khi va chạm với môi trường thực tế, các em sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, nhiều bài học cần trải qua để tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng cho bản thân.
“Chúng tôi hy vọng rằng các thế hệ sinh viên sau khi ra trường vẫn sẽ tiếp tục con đường mà các em đã chọn, luôn hành xử đúng chuẩn mực của một người được học hành, đào tạo bài bản về golf chuyên nghiệp và góp phần đưa golf từ môn thể thao được cho là thượng lưu dần được đại chúng hoá tại thị trường Việt Nam”- ông Hiếu nói.
Sinh viên khi lựa chọn ngành này sẽ không tránh khỏi những định kiến về tài chính và mục đích khi theo học. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thị trường golf nói chung và nhân lực không có nhiều sự cạnh tranh. Golf vẫn là ngành có mức thu nhập cao do nhu cầu nhân lực qua đào tạo còn rất lớn.