Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo tổng kết 10 năm (2012-2022) thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông”.

Định kỳ hàng năm, Sở GTVT phối hợp với Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) tổ chức rà soát các điểm giao thông có nguy cơ ùn tắc và các ‘điểm đen’ có nguy cơ gây tai nạn, để có giải pháp tổ chức giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trong 10 năm qua, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút được kiềm chế. Đặc biệt, trong năm 2013, trên địa bàn TP có 67 điểm ùn tắc, đến nay chỉ còn 31 điểm.

Trong 10 năm qua, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Nếu như năm 2012, trên địa bàn TP Hà Nội có 54 ‘điểm đen’ về tai nạn giao thông, thì đến nay chỉ còn 6 điểm. Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với đơn vị liên quan để xử lý các ‘điểm đen’ về tai nạn giao thông này.

Theo đánh giá của Sở GTVT, trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Kim Mã… vẫn còn xảy ra tình trạng phương tiện di chuyển khó khăn vào khung giờ cao điểm.

“Tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào TP, còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm, các dịp lễ, tết”, báo cáo của Sở GTVT Hà Nội nêu rõ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Sở GTVT Hà Nội cho biết, là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân và doanh nghiệp vận tải chưa cao.

Ngoài ra, số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc trên một số tuyến đường như Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng, Tố Hữu - Lê Văn Lương, Trần Phú - Nguyễn Trãi…

Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, ngành giao thông Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công công, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.