Qua công tác rà soát, mới đây Phòng CSGT đã tham mưu cho Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị rà soát, xác định 4.089 người bị tâm thần, kiến nghị Sở Giao thông vận tải thu hồi giấy phép lái xe (GPLX), không cấp GPLX đối với các trường hợp trên.
Về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay từ giữa tháng 3 vừa qua, Sở đã nhận được thông tin từ Công an TP cung cấp 47 trường hợp có tiền sử tâm thần. Tuy nhiên, qua tra cứu trên dữ liệu quản lý thì chỉ có 36 trường hợp có GPLX do Sở GTVT cấp, các trường hợp còn lại đều không có thông tin.
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, dù Công an TP đề nghị như vậy, nhưng để có cơ sở xác minh, Sở GTVT phải có xác nhận của cơ quan ý tế có thẩm quyền. Do vậy, Sở GTVT đã có văn bản gửi chính quyền địa phương, cơ quan y tế xác minh về các trường hợp này.
Chỉ khi có trả lời từ các cơ quan y tế thì Sở GTVT mới có cơ sở xem xét thu hồi và không cấp mới.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng thông tin thêm, tiêu chuẩn sức khoẻ là do cơ quan y tế có thẩm quyền quyết định cấp, khi người học lái xe được cơ quan y tế cấp giấy khám sức khoẻ đảm bảo điều kiện thì Sở GTVT căn cứ vào đó mới cho sát hạch, đào tạo thi cấp bằng.
Một cán bộ tham gia công tác quản lý đào tạo cấp GPLX lâu năm cho biết, trường hợp bệnh tâm thần có người chỉ phát bệnh từng thời điểm. Khi họ tỉnh táo bình thường, đi khám thì bác sĩ không phát hiện ra nên vẫn cấp đủ điều kiện tham gia đào tạo cấp bằng lái xe.
Tuy nhiên, không loại trừ có trường hợp giấy khám sức khoẻ người tham gia học lái xe mang đến không phải họ khám, mà có thể họ mua ở đâu đó rồi nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nhận không xác nhận được đó là thật hay giả.
Về cơ sở để thu hồi được GPLX đối với những trường hợp Công an TP.Hà Nội yêu cầu, vị này cho rằng, cần phải đi xác minh từng trường hợp. Cụ thể, phải cho người được cấp bằng đi kiểm tra sức khoẻ, trường hợp nếu đúng bị tâm thần thì mới có đủ cơ sở để thu hồi, hoặc không cấp mới. Cơ quan cấp GPLX, cụ thể là Sở GTVT Hà Nội không thể nói rút là rút ngay được.