Người Thái là dân tộc thiểu số có số lượng người đông nhất tại Nghệ An, họ cư trú chủ yếu ở các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tân Kỳ... Đến nay, người Thái nhiều nơi tại Nghệ An vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình cả về phong tục, ẩm thực, trang phục và đặc biệt là kiến trúc nhà ở. 

Các huyện miền Tây Nghệ An như Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong… đã xây dựng các đề án để bảo tồn không gian văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Thời gian tới, Ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An sẽ tiến hành rà soát, phân loại, kiểm kê, hệ thống các ngôi nhà sàn cổ, nhà sàn truyền thống để từ đó xếp hạng di tích lịch sử theo Luật Di sản. Đồng thời, ngành đề nghị ngành Xây dựng và Hội Kiến trúc số hóa kiến trúc nhà sàn nhằm phục dựng lại các ngôi nhà sàn cổ phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc.

Ngược suối Nậm Kho, Nậm Ngân trong đại ngàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An), dễ dàng bắt gặp những nếp nhà sàn của đồng bào Thái ở các bản Xốp Kho, Canh, Na Kho, Na Ngân quần tụ dưới chân núi, soi bóng bên suối giữa khung cảnh yên bình.

W-nhasan-1.png
Những ngôi nhà sàn của người Thái ở Nghệ An

Là một trong chín bản của xã miền núi Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An), cách trung tâm xã hơn 20km và là bản “vùng trong”, biệt lập giữa đại ngàn Pù Huống, Na Ngân là bản xa nhất của xã miền núi Nga My. Đồng bào Thái đã đến đây sinh sống, lập bản từ những năm 1950. Hiện nay, bản có hơn 150 hộ, hơn 750 nhân khẩu. Nếp nhà sàn đã hiện diện tại Na Ngân từ buổi đầu lập bản, gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình, dòng tộc, với văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào Thái.

Bản Na Ngân hiện có nhiều ngôi nhà sàn có từ 40 đến 70 năm tuổi, đặc biệt có nhiều ngôi nhà sàn mái lợp bằng gỗ pơ mu. Theo người dân nơi đây, những ngôi nhà sàn này thuộc nhóm những ngôi nhà sàn cổ, được cất dựng đầu tiên trong bản. Qua hàng chục năm sử dụng, mái ngói gỗ pơ mu đã mang một màu sắc pha trộn giữ đen và xám. Tuy nhiên, mái gỗ pơ mu vẫn không bị cong vênh, mối mọt, thấm nước, không bị ăn mòn bởi tác động của yếu tố môi trường và có khả năng chịu lạnh, chịu nhiệt tốt. Những tấm gỗ pơ mu người dân sử dụng để lợp mái nhà sàn có kích thước khác nhau và chia làm hai loại chữ nhật và hình vảy cá. Không chỉ được lợp trên mái của những gian nhà sàn chính, gỗ pơ mu còn được người dân sử dụng để lợp trên gian bếp, chế tác thành máng để gom, dẫn nước mưa chảy về phía hiên nhà.

Sàn nhà được trải bằng các tấm ván, phổ biến nhất trước đây là thân cây luồng hoặc mét đật dập, lau mắt. Mái nhà hình chữ nhật góc nhọn. Trước đây, mái nhà được lợp bằng lá cọ (tro), hoặc lá gối, nhà có điều kiện thì lợp mái bằng gỗ Pơ Mu, để làm mát vào mùa Hè, ấm vào mùa Đông.

Một đặc điểm khá “bắt mắt” tại những ngôi nhà sàn trong bản Na Ngân là hệ thống cột đỡ rất to, tạo nên một chỉnh thế chắc chắn, vững chãi cho ngôi nhà. Ngoài ra, hệ thống hoành, xà, kèo, giằng, mộng… được chạm khắc những họa tiết, hoa văn trang trí chim muông, cây cỏ, con vật mang giá trị thẩm mỹ, văn hóa rất cao. Dù đã trải qua hàng chục năm nhưng màu sắc các họa tiết, hoa văn này vẫn tươi mới.

Theo những người am hiểu, để làm được ngôi nhà sàn ưng ý, người Thái phải chọn loại gỗ tốt nhất để dựng nhà. Điều đặc biệt, nhà sàn truyền thống sử dụng hệ thống dây chằng bằng lạt tre, dây mây, buộc hết sức công phu, làm cho ngôi nhà hết sức chắc chắn mà không cần sử dụng đến các nguyên liệu như sắt, thép…

Nhà Sàn của người Thái ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong… trước đây đều có kiến trúc kiểu nhà sàn cột chôn. Các loại gỗ được người dân sử dụng để dựng nhà thường là Lim, Sến, Táu, Vàng Tâm, Săng Lẻ... Kết cấu nhà của người Thái khá đơn giản, theo kiểu vì kèo Giao nguyên, có từ 3, 5 đến 7 gian (tùy vào điều kiện và số lượng người trong gia đình), 2 hồi, trung bình rộng 20m, dài 60m. Hệ thống nhà được liên kết với nhau bằng hình thức “ngoạm” tự nhiên. Về số lượng gian chẵn hay lẻ là do quy định của từng dòng họ. Hướng nhà của người Thái thường theo một hướng chung, nếu các nhà ở cạnh nhau thì hoặc cùng ngoảnh ra đường, hoặc cùng ngoảnh ra sông…, nếu hai nhà mà ngoảnh hai hướng là rất kiêng kị.

Thông thường, để dựng được một nhà sàn năm gian với diện tích khoảng 50 mét vuông, người Thái phải tích trữ gỗ khoảng 10 năm. Trong thời gian đó, khi gia chủ chọn được những thân gỗ phù hợp để làm cột, xà thì sẽ nhờ thợ mộc đến làm trước. Khi chọn được ngày tốt, gia chủ sẽ mời họ hàng, dân bản đến dựng giúp trong vòng một tuần là hoàn thành ngôi nhà.

Những họa tiết, hoa văn đó chủ nhà phải nhờ những người thợ có tay nghề cao trong bản chạm khắc, đục trổ để trang trí cho ngôi nhà đẹp hơn. Đồng thời, gia chủ gửi gắm vào đó những ước mong về một cuộc sống bình yên, đầm ấm, hạnh phúc, dồi dào sức khỏe đối với các thế hệ sinh sống trong căn nhà.

Đối với người dân bản Na Ngân, ngôi nhà sàn truyền thống mang những nét Thái cổ mà thế hệ cha ông cất dựng đã trở thành kiểu mẫu, để những gia đình làm nhà sàn sau này học hỏi về cấu trúc, kiến trúc. Do đó, các ngôi nhà sàn trong bản dù thời gian cất dựng cách nhau khá xa nhưng vẫn có những điểm giống nhau về hình dáng, kiến trúc, trang trí lan can, không gian trong nhà. Tất cả là một chỉnh thể thống nhất, chứa đựng những triết lý nhân sinh và hài hòa, phù hợp trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Thái nơi đây.

Nguyễn Ngọc Cương, Hà Lệ Yên, Nguyễn Hồng Hạnh