Kết thúc vụ thu hoạch bơ kéo dài từ cuối năm 2022 sáng đầu năm 2023, nông dân số Đặng Dương Minh Hoàng ở xã Phú Văn (Bù Gia Mập, Bình Phước) thu lãi 10 tỷ đồng từ sản phẩm “Bơ Ông Hoàng”. Còn vụ tới đây, anh dự tính thu vài chục tỷ từ loại quả đặc sản này.

Không chỉ bội thu từ trái bơ, 2-3 năm trở lại đây anh Hoàng trở thành diễn giả tại nhiều hội nghị, diễn đàn, lớp tập huấn… để chuyển giao công nghệ của mô hình nông nghiệp số, xây dựng thương hiệu nông sản. Từ đó, mở ra hướng làm nông nghiệp hiện đại, giúp bà con nông dân gia tăng giá trị trên từng thửa ruộng, mảnh vườn của mình.

Đây cũng là một phần nguyên do anh Đặng Dương Minh Hoàng quyết định từ bỏ công việc với thu nhập cao ở Pháp để trở về quê hương nối nghiệp làm nông của gia đình. Anh quyết tâm làm “nông dân số”, bắt đầu từ cây bơ bản địa.

bo ong hoang.jpg
Nông dân Đăng Dương Minh Hoàng số hóa các công đoạn trồng và chăm sóc đến từng gốc bơ trong vườn 

Theo anh, mô hình trồng bơ hữu cơ tại Nông trại Thiên Nông hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thế nên, quá trình trồng đòi hỏi phải theo dõi sát sao sự sinh trưởng của cây để có những phương án chăm sóc hiệu quả nhất. Đó là động lực để anh cùng cộng sự phát triển ứng dụng AutoAgri với mục đích theo dõi toàn bộ vườn thông qua thiết bị thông minh.

Chăm sóc cây hoàn toàn tự động thông qua các app trên chiếc smartphone nên cả trang trại bơ rộng 12ha gần như vắng bóng nông dân. Anh có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, thậm chí ngồi ở Mỹ vẫn có thể tưới nước, bón phân… cho từng cây trồng trong nông trại của mình bằng những cái "chạm tay" trên chiếc smartphone. 

Thế nên, ở nông trại bơ, anh chỉ sử dụng 2 nhân công làm nhiệm vụ kiểm tra hệ thống máy móc trong vườn.

Chỉ vào gốc cây bơ có gắn mã QR code, anh Hoàng nói đó là mã để vào xem “nhật ký số”. Mỗi cây bơ trong nông trại đều được gắn một mã QR code như vậy. Thông qua nhật ký số này, người tiêu dùng sẽ biết được các loại phân bón đã sử dụng, thời gian bón phân, ngày sản phẩm được thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của trái bơ…

Cùng với số hoá tới từng gốc bơ, anh cũng xây dựng thương hiệu Bơ Ông Hoàng. Thương hiệu này tạo được tiếng vang khi tuân thủ đầy đủ các quy trình chăm sóc hữu cơ, truy xuất nguồn gốc… 

bo ong hoang 1.jpg
Thương hiệu Bơ Ông Hoàng không chỉ nổi danh ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia với giá rất cao

Những năm qua, tại các vùng trồng bơ nổi tiếng của nước ta, người nông dân liên tục gặp khó khăn khi bơ rớt giá. Nhưng riêng thương hiệu Bơ Ông Hoàng vẫn có thị trường tiêu thụ ổn định, xuất hiện trên nhiều kệ hàng cả trong nước và quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Bơ Ông Hoàng đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đồng thời nằm trong top 11 sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu tỉnh Bình Phước.

Thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra làm thị trường tê liệt, nông sản ùn ứ phải giải cứu, Bơ Ông Hoàng vẫn được tiêu thụ tốt với giá bán cao. Năm đó từ cây bơ, anh thu lãi khoảng 8 tỷ đồng, anh Hoàng tiết lộ.

Song, làm giàu cho chính mình không phải là lý tưởng cuối cùng. Anh muốn tạo ra một sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam có uy tín, muốn hỗ trợ nông dân địa phương từng bước phát triển bền vững sản phẩm họ tạo ra với nguồn thu nhập ổn định.

Hiện nay, đã có rất nhiều nông dân ở Bình Phước cùng tham gia mở rộng diện tích trồng bơ hữu cơ theo quy trình của Nông trại Thiên Nông, diện tích lên tới 200ha. Anh Hoàng quan niệm rằng, muốn đi xa thì đi cùng nhau nên anh chia sẻ cách làm của nông trại mình cho mọi người. 

Anh muốn tạo một thị trường lành mạnh cho các hộ nông dân cùng sản xuất trên địa bàn, cùng làm việc với nhau để tạo ra một chuẩn đầu ra cụ thể. Từ đó, giúp người nông dân giảm bớt khâu trung gian, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có chất lượng cao mà nhiều người có thể biết đến.

 Bạch Thị Hân, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Văn Hùng, Hà Lệ Yên