LỜI TÒA SOẠN

Tranh chấp tài sản thừa kế trong các gia đình không còn là chuyện hiếm. Sau những tranh chấp ấy, bất kể thắng thua ra sao, tình cảm gia đình cũng không còn được như trước. VietNamNet mở diễn đàn Chia tài sản thừa kế. Bài viết chia sẻ của bạn đọc, vui lòng gửi về địa chỉ: bandoisong@vietnamnet.vn

Bố mẹ tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Tôi là con gái út, năm nay vừa tròn 24 tuổi. 

Mẹ tôi mất năm 2005. Nhà tôi lúc ấy còn khó khăn, bố phải vừa làm nông nghiệp, vừa buôn bán nhỏ lo cho 4 đứa con ăn học. Sau này, ông chuyển sang buôn bán hàng khô nên kinh tế gia đình khấm khá hơn. 

Bố phá nhà cũ, xây căn nhà 2 tầng khang trang trên mảnh đất rộng hơn 1 sào. Bố còn mua cho hai anh trai tôi mỗi người một miếng đất hơn 100m2 gần nhà. Lúc hai anh lấy vợ, bố cho mỗi người 500 triệu đồng làm nhà ở riêng.

thừa kế 1.jpg
Ở tuổi xế chiều, bố tôi vẫn khổ vì các con. Ảnh minh họa: FP

Chị gái tôi đi lấy chồng, không được chia đất, chia nhà nhưng cũng được bố hỗ trợ rất nhiều từ vốn liếng làm ăn đến chuyện chăm con.

Bố tôi nghỉ buôn bán cách đây 5 năm khi bước sang tuổi 63. Khi quyết định nghỉ buôn bán, bố dẫn về nhà một người phụ nữ 40 tuổi và nói muốn đi bước nữa. Tôi mừng lắm nhưng anh chị tôi phản đối kịch liệt.

Anh chị đưa ra lắm lý do, nào là “bố già rồi không nên bước vào cuộc sống hôn nhân phức tạp”, nào là “bố tái hôn sẽ khiến con cháu xấu hổ, ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai”...

Nhưng tôi thừa biết, anh chị chỉ vì sợ miếng đất, căn nhà bố đang ở sẽ rơi vào tay người khác.

Mặc con cái can ngăn, bố tôi kiên quyết cưới người phụ nữ đó làm vợ. Anh chị tôi không làm gì được thì rủ nhau tìm hiểu quá khứ của mẹ kế. Sau khi biết mẹ kế từng có 2 đời chồng và cả hai lần đều ly hôn vì không thể có con, họ mới xuôi.

Anh chị tôi gặp riêng mẹ kế, ép bà cam kết không sinh nở và không được đăng ký kết hôn thì mới cho cưới bố tôi. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của bà: “Nếu có thể sinh con, có lẽ tôi không phải bỏ 2 lần chồng và cũng không có duyên gặp bố các cháu”.

Tôi phẫn nộ trước hành động của anh chị nhưng không thể làm gì khác.

Nào ngờ, sống với bố tôi chưa đầy 6 tháng, mẹ kế đã có thai. Nhà tôi hỗn loạn suốt thời gian dài vì chuyện này. Mẹ kế của tôi bị chửi rủa là kẻ dối trá, bố tôi thì bị cho là ngu dại, "già rồi còn để bị lừa". 

Bố tôi mừng lắm khi ở tuổi đó vẫn được tận hưởng niềm vui có con. Nhưng trước sức ép của các con, ông không dám thể hiện ra mặt.

Anh chị tôi sợ bố để lại nhà căn nhà này cho mẹ kế, liên tục thúc ép bố bỏ vợ. Ngày nào anh chị cũng lên nhà làm loạn khiến bố tôi sống không yên. Họ còn dọa sẽ đem ảnh của mẹ về nhà thờ riêng, ngày giỗ tự làm cơm cúng với nhau. 

Mẹ kế không dám ra khỏi phòng, sợ phải nghe tiếng cãi vã, chửi rủa. Mang thai ở tuổi ngoài 40 lại phải chịu áp lực tâm lý, bà đã có lần phải nhập viện vì dọa sảy thai.

Bố tôi hết nặng đến nhẹ vẫn không ngăn được các con đến nhà gây sự. Tôi khóc lóc xin anh chị để bố được yên nhưng họ không nghe. Anh chị còn chửi tôi ngu, không biết giữ gìn tài sản mẹ để lại.

Cuối cùng, mẹ kế phải ôm quần áo bỏ đi khi đang mang bầu ở tháng thứ 8. Bà trở về căn nhà cấp 4 từng ở trước khi cưới bố tôi, cách đó 16km. Vì không muốn bố con từ mặt nhau nên bố tôi đành chấp nhận để mẹ kế rời đi.

Ngày bà sinh con, tôi và bố thay nhau túc trực trong viện. Anh chị tôi yêu cầu không được để tên bố tôi trong giấy khai sinh của đứa trẻ. Họ không biết mẹ kế chẳng cần điều đó. Đối với bà, con cái quan trọng gấp ngàn lần chuyện nhà cửa, đất cát.

Suốt mấy năm qua, bố tôi đi đi về về giữa hai căn nhà. Trên con xe máy cũ, bố chở từng bao gạo, chai nước mắm, mớ rau đem sang cho vợ con. Đầu năm 2024, bố lén lút chuyển một phần tiền tiết kiệm cho mẹ kế làm của để dành. 

Tôi còn biết bố muốn xây cho mẹ kế căn nhà mới rộng rãi hơn nhưng chưa dám làm vì sợ anh chị tôi đến phá đám.

Gần đây, tôi nghe các anh chị nhắc đến chuyện di chúc. Họ sợ bố sẽ chia đất, chia nhà cho con riêng nên muốn bố làm di chúc sớm. Tôi muốn cho bố biết việc này để có phương án đối phó nhưng lại sợ anh chị từ mặt mình. 

Từ tận đáy lòng, tôi chỉ mong bố có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc lúc tuổi già, không bị con cái làm phiền vì chuyện đất cát. Không biết đến bao giờ, anh chị tôi mới thôi làm khổ người bố sinh ra và nuôi mình lớn khôn.

Độc giả N.T.H