Nghệ An là địa phương có tỷ lệ nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc khá lớn ở Việt Nam. Năm 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người vẫn được các ban ngành, các địa phương của tỉnh Nghệ An triển khai mạnh mẽ.

Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An liên tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, hướng về cơ sở, nhất là các địa bàn điểm nóng về tội phạm mua bán người.

{keywords}
Sở Tư pháp Nghệ An lắp đặt pano tuyên truyền phòng, chống mua bán người. 

Thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người năm 2021, các quy định pháp luật cũng như các phương thức nhận diện tội phạm mua bán người và cách thức phòng, chống tội phạm này đã được phổ biến sâu rộng, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Các hoạt động tuyên truyền bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch số 1103/KH-STP ngày 09/8/2021 của Sở Tư pháp về tuyên truyền pháp luật phòng, chống mua bán người năm 2021.

Một trong số các biện pháp tuyên truyền hiệu quả, sáng tạo và đổi mới là Sở Tư pháp đã biên soạn tài liệu dưới dạng file âm thanh MP3 có nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của mua bán người, gửi tới 21 đơn vị cấp huyện để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở với thời lượng ít nhất 01 lần/tuần trong thời gian từ ngày 20/9/2021 đến 26/12/2021.

Hình thức tuyên truyền này nhận được sự ủng hộ, lắng nghe và theo dõi của nhân dân địa phương. Qua đó đã tuyên truyền các quy định pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, cách phòng, chống tội phạm mua bán người và  cách thức để nạn nhân mua bán người được hỗ trợ pháp lý kịp thời.

Nhiều người đã nắm rõ các thủ đoạn tinh vi của tội phạm buôn bán người. Từ đó có ý thức cảnh giác, phát hiện tội phạm để kịp thời báo lên cơ quan chức năng xử lý.

Ngoài ra, Sở Tư pháp phối hợp với UBND huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương lắp đặt 6 pano với nội dung “Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người” tại các xã Chiêu Lưu, Tà Cạ, Bảo Nam của huyện Kỳ Sơn và bản Xiêng Hương, bản Ang, bản Na Bè, xã Xá Lượng của huyện Tương Dương.

Để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về thủ đoạn, hậu quả và cách đấu tranh với tội phạm mua bán người đến nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa, Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương biên soạn bài tuyên truyền tiếng Kinh, dịch sang 3 thứ tiếng Thái, Mông, Khơ Mú và tổ chức tuyên truyền lưu động về phòng, chống mua bán người.

Đức Yên