Buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ gây tổn hại đến nền đa dạng sinh học của đất nước, gia tăng nguy cơ lan truyền các dịch bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền đa dạng sinh học toàn cầu và hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

Vừa qua, Học viện Ngân hàng (Hà Nội) phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - tổ chức bảo tồn về động vật hoang dã thực hiện báo cáo về “Khảo sát về nhận thức và năng lực của đơn vị tình báo tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính về phòng, chống rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Phó giáo sư Phạm Thị Hoàng Anh trưởng nhóm. Qua báo cáo nghiên cứu, nhóm tác giả đã đưa ra thông tin về tình hình buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam. 

bu gia map.png
Hoạt động tái thả động vật là tang vật của các vụ mua bán động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Khương Thắng. 

Theo đó, khu vực Đông Nam Á vừa là nguồn cung cấp các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, vừa là điểm trung chuyển và tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ  động vật hoang dã. Tổng quy mô buôn bán trái pháp luật về động vật trong khu vực này ước tính chiếm tới 25% thị trường buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam được coi là một trong những mắt xích về tình trạng buôn bán trái pháp luật động vật. 

Tại Việt Nam, số vụ vi phạm về động vật hoang dã có xu hướng tăng trong 02 năm gần đây. Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an cho biết, năm 2020 là 379 vụ vi phạm, năm 2021 phát hiện 816 vụ, trong 6 tháng đầu năm năm 2022 là 356 vụ vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

Tổng số lượng cá thể, bộ phận cơ thể và sản phẩm các loài động vật hoang dã bị bắt giữ trong 3 năm là 13,6 tấn, riêng 2022 chiếm 12 tấn. Đặc biệt, số lượng cá thể, bộ phận cơ thể và sản phẩm của loài hổ và các loài mèo lớn khác tăng 67 lần so với năm 2020 và 8 lần so với năm 2021. 

Theo Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), tại Việt Nam, tổng doanh thu và lợi nhuận hàng năm từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ước tính lần lượt đạt mức 66,5 triệu đô la Mỹ và 21 triệu đô la Mỹ. Chính nguồn lợi nhuận khổng lồ này đã khiến việc đấu tranh với các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp.

Theo Báo cáo Tội phạm động vật hoang dã  thế giới năm 2020 của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), giá bán buôn bất hợp pháp một kg ngà voi tại Việt Nam khoảng 660 đô la Mỹ (khoảng 15,2 triệu đồng) vào năm 2018, giá bán buôn bất hợp pháp một kg sừng tê giác là 18.881 đô la Mỹ (khoảng 434 triệu đồng) vào năm 2017. Vì siêu lợi nhuận đã khiến cho buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã phát triển nhanh chóng và ngày càng gia tăng các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Trước thực trạng mua bán động vật hoang dã tại Việt Nam, Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV đã kêu gọi Việt Nam kiên quyết thực hiện 3 không: Không khoan nhượng, không thông cảm và không tư lợi trong các vụ án về động vật hoang dã. Cơ quan thực thi pháp luật cũng cần áp dụng hiệu quả Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 để có thể tạo nên những chuyển biến tích cực trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, đảm bảo ý nghĩa răn đe đối với loại tội phạm này.

Phương Anh