Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại khi nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã và sản phẩm từ chúng vẫn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam.
Điều này đã thúc đẩy nạn săn bắn trái pháp luật trong nước cũng như gia tăng việc nhập khẩu các loài hoang dã và sản phẩm của chúng từ các quốc gia khác. Đó có thể là các cá thể hổ nguyên con, xương hổ, vảy tê tê, cá thể tê tê nguyên con, sừng tê giác, ngà voi và các cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt.
PGS. TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Chúng ta phải bảo vệ động thực vật hoang dã, giảm thiểu đến tối đa việc mua bán vận chuyển tiêu thụ sản từ động vật hoang dã, đặc biệt là động vật hoang dã quý hiếm. Người tiêu dùng các sản phẩm này là người có thu nhập cao, doanh nhân thành đạt, quan chức…
Trên thực tế những người săn bắn động vật hoang dã trái pháp luật, những người vận chuyển buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật bị pháp luật xử lý nghiêm minh theo quy định Bộ Luật hình sự.
Bằng chứng được thể hiện qua một số vụ việc gần đây như hải quan Hải Phòng vừa bắt một vụ vận chuyển ngà voi, sừng tê giác với số lượng lớn”.
Bà Bùi Thúy Nga, Quản lý Chương trình Cấp cao, TRAFFIC (tổ chức phi chính phủ toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động thực vật hoang dã, đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững) Việt Nam, cho biết, kết quả các nghiên cứu cho thấy, trong một khảo sát khác với mẫu 700 người, khoảng 5% số này đã mua rùa nước ngọt và rùa cạn cho các mục đích khác nhau trong 12 tháng gần nhất, trong đó mua để phóng sinh là mục đích chính (chiếm 43%).
Trong nỗ lực giảm cầu các sản phẩm các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật ở Việt Nam, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý) giới thiệu bộ thông điệp và hình ảnh sáng tạo hướng tới thay đổi hành vi người tiêu dùng.
5 bộ thông điệp và hình ảnh đã được xây dựng dựa trên các yếu tố về văn hóa địa phương, tác động tới các động cơ tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.
Bà Nguyễn Tuyết Trinh, Giám đốc Tổ chức Traffic tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc hoàn thiện khung pháp lý, thực thi pháp luật quản lý động vật hoang dã như truyền thông thay đổi hành vi người tiêu dùng. Dù vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức do vấn nạn này.
Việc giảm tiêu thụ các loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trái pháp luật tiếp tục sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm chấm dứt nhu cầu và hành vi mua bán, tặng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Các nghiên cứu khảo sát người tiêu dùng và quan sát trên thị trường trong nhưng năm vừa qua cho thấy vẫn có rất nhiều nhu cầu tồn tại về mua bán sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp trái pháp luật.
Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Theo đó, người có hành buôn bán động vật hoang dã không thuộc đối tượng quý hiếm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt sẽ tùy thuộc vào số lợi bất chính thu được theo quy định pháp luật nêu trên.
Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm như sau: đối với người có hành vị săn bắt động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.