6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu thịt heo ngoại tại VN đạt hơn 22,2 triệu USD với 19.500 tấn các loại, đa số được nhập khẩu từ Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức. Sắp tới sẽ có thêm các mặt hàng thịt heo mát, nội tạng... từ Mỹ.

Diễn biến thị trường thịt heo Việt Nam

Thị trường nhập khẩu thịt heo tại Việt Nam đang cực kỳ sôi động với các đối tác lâu năm như Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức, Hungary, Canada và các thị trường khác. Trong đó, Ba Lan là thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất với lượng bình quân mỗi tháng gần 1,200 tấn, trị giá 8 triệu USD, Tây Ban Nha đứng thứ 2 với 4,460 tấn được nhập về trong nửa đầu năm 2018, trị giá 4,8 triệu USD; ở các thị trường khác, lượng thịt heo nhập khẩu chiếm 9,4 triệu USD, tương đương 8,000 tấn.

Tuy nhiên gần đây Ba Lan, Hungary là những nước đang trong diện cảnh báo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) về tình hình lan tràn dịch bệnh tả lợn châu Phi. Ngày 20/9/2018, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quyết định tạm dừng nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan và Hungary cho đến khi 2 quốc gia này công bố an toàn theo quy định của OIE. Sau quyết định này, thịt heo ngoại nhập từ Mỹ, Canada và các nước châu Âu với quy trình kiểm định chất lượng gắt gao và cách xa nguồn bệnh tả lợn sẽ được khuyến khích đẩy mạnh nhập khẩu tại thị trường Việt Nam.

Vừa qua Hiệp hội chăn nuôi heo Mỹ đã có chuyến khảo sát thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo vào các nước châu Á, bao gồm Việt Nam, Singapore, Hồng Kông, Macao.

{keywords}
 

Ông Craig Morris, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiếp thị toàn cầu Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ cho biết: “Sức tiêu thụ thịt heo Mỹ tại Việt Nam đang tăng lên, và chuyến đi này đem đến cho các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp thịt heo Mỹ cơ hội tham gia vào thị trường Việt Nam cũng như xây dựng nhận thức về thịt heo Mỹ và các sản phẩm thịt heo chế biến với các nhà làm luật tại đây”. Đồng thời, ông Morris cho biết phía Mỹ không có ý định cạnh tranh với nhà chăn nuôi heo Việt Nam, bởi họ quan tâm hơn đến việc tìm hiểu thị trường Việt Nam và đáp ứng một phân khúc thị trường với các sản phẩm thịt heo Mỹ.

Hiện tại, Mỹ đang xuất khẩu khoảng 12 triệu USD các loại sản phẩm thịt heo từ Mỹ, trong đó có 1 triệu USD là các loại nội tạng đỏ, 11 triệu USD là các sản phẩm giăm bông, thịt giăm bông đông lạnh, thịt vai,…Sắp tới Hiệp hội sẽ tiếp tục đàm phán và tìm kiếm cơ hội xuất nội tạng trắng sang Việt Nam, bên cạnh việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Singapore, Phillipines, Hàn Quốc, Mexico, Malaysia…

{keywords}
 

Người tiêu dùng được lợi

Với sự có mặt của các nhà nhập khẩu chất lượng tại Việt Nam, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá thành đến chất lượng sản phẩm do sự cạnh tranh của thịt heo ngoại với thịt heo trong nước và giữa các sản phẩm thịt heo ngoại với nhau.

Được đánh giá cao về chất lượng, sở dĩ thịt heo Mỹ có giá cạnh tranh so với các mặt hàng thịt heo trong nước bởi thị trường thịt heo Mỹ đang có đà tăng trưởng tốt, sản lượng dư thừa, đẩy mạnh cho xuất khẩu. Ông Craig Morris cho biết: “Một trong những nguyên nhân giúp sản lượng thịt heo Mỹ tốt lên là do năm nay các sản phẩm thức ăn cho heo như bắp và đậu nành được mùa, giá tốt dẫn tới chi phí chăn nuôi giảm đáng kể.”

{keywords}
 

Hiện nay,ở Mỹ có 120 triệu con heo, tăng 8% sản lượng năm 2017, đồng thời có thêm 5 nhà máy nâng tổng số lên 27 nhà máy chế biến thịt heo, đảm bảo nguồn cung và chất lượng cho thị trường châu Á.

Trong chuyến thăm châu Á này, Hiệp hội chăn nuôi heo Mỹ sẽ tiếp tục tìm hiểu, khảo sát nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng châu Á, nhằm xây dựng quan hệ cung ứng thịt heo lâu dài với người tiêu dùng tại các nước, trong đó có Việt Nam.

Thanh Liên