Công nhân Nhà máy kéo sợi lông cừu Đà Lạt bên dây chuyền sản xuất sợi lông cừu bằng nguyên liệu sợi tự nhiên nhập khẩu.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhà máy sản xuất sợi len lông cừu Đà Lạt tại xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng đã có những tín hiệu tích cực sau 5 tháng đi vào hoạt động chính thức.
Đúng như cam kết khi đầu tư, mới đây, nhà máy đã có có lô xuất khẩu sợi lông cừu đầu tiên với 4 tấn sợi. Dự kiến đến cuối năm 2019, nhà máy sẽ xuất khẩu 300 tấn sợi ra nước ngoài.
Công ty cho biết, giai đoạn đầu, 90% sản phẩm của nhà máy sẽ được xuất khẩu. 10% còn lại là cung cấp cho thị trường nội địa, chủ yếu là các công ty sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp đang có hàng xuất khẩu.
Ngày 15/6/2018, nhà máy đã được khởi công tại Cụm công nghiệp Phát Chi, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD. Đây là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Südwolle (Cộng hòa Liên bang Đức) và Công ty cổ phần Dệt May Liên Phương (Thành phố Hồ Chí Minh). Nhà máy có tổng diện tích hơn 61.000 m2; trong đó, diện tích xây dựng khoảng 32.000 m2.
Công suất thiết kế dự kiến của nhà máy đạt khoảng 4.000 tấn sợi/năm. Về dài hạn, nhà máy hướng tới tỷ lệ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 50-50%.
Công suất thiết kế của nhà máy đạt khoảng 4.000 tấn sợi/năm. Doanh thu dự kiến từ 100-120 triệu USD/năm.
Theo công ty, sản phẩm sợi len lông cừu của nhà máy được sản xuất từ nguồn nguyên liệu lông cừu nhập khẩu. Hiện ở Việt Nam có khoảng 50 cơ sở may mặc dùng sợi len lông cừu, đa số nhập sợi từ Úc.
Theo Nghị định 111/2015-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, sợi là một trong các sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may. Việc doanh nghiệp đầu tư sợi ở Việt Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may trong nước.
Băng Dương
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Hội chợ Munich Fabric Start tại Đức
Từ ngày 1-7/9/2019, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ trì, tổ chức đoàn doanh nghiệp dệt may tham gia Hội chợ Munich Fabric Start tại Đức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2019.