Nhằm ngăn chặn các sự cố môi trường về chất thải y tế nguy hại, công tác quản lý thu gom và xử lý đã được tỉnh Sơn La quan tâm. Việc quản lý chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế trên địa bàn luôn đáp ứng quy đinh của pháp luật. 

Theo bác sĩ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) hằng ngày bệnh viện tuân thủ việc phân loại các chất thải rắn trong sinh hoạt và chất thải rắn trong công tác chuyên môn. Sau khi phân loại tại nơi phát sinh. Chất thải đưa vào thùng có túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín sau đó chất thải được chuyển về khu vực xử lý bằng xe chuyên dụng, đảm bảo các chất thải này không rò rỉ, phát tán ra môi trường. 

Bênh viện đã quy định việc vận chuyển trong khuôn viên được thực hiện quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Các chất thải nguy hai có nguy cơ lây nhiễm được xử lý khử khuẩn sơ bộ nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh. 

chat thai son la.png
Chất thải y tế được hướng dẫn phân loại ngay tại nguồn. Ảnh: Khánh Chi. 

Các chất thải nguy hại không lây nhiễm như bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp. Cụm xử lý chất thải tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu sủ dụng công nghệ hấp với công suất 50kg/mẻ. Cụm xử lý chất thải nguy hại này được xây dựng để xử lý chất thải nguy hại cho các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Còn các chất thải y tế thông thường, hằng năm bệnh viện ký hợp đồng với Công ty môi trường đô thị vận chuyển và giám sát khối lượng.

Theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh, các chất thải này được thu gom và vận chuyển về cụm xử lý hoặc tại chỗ. Hiện toàn tỉnh Sơn La có 11 cụm xử lý chất thải nguy hại.

Cụm xử lý số 1: Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Phong và Da liễu; Cụm xử lý số 2: Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn; Cụm xử lý số 3: Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Châu; Cụm xử lý số 4: Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu; Cụm xử lý số 5: Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên; Cụm xử lý số 6: Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên; Cụm xử lý số 7: Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã; Cụm xử lý số 8: Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp; Cụm xử lý số 9: Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu; Cụm xử lý số 10: Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai; Cụm xử lý số 11: Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La.

Các cơ sở y tế được đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trong khuôn viên cơ sở phải đáp ứng yêu theo nghị định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của các cơ sở không đảm bảo hoặc có sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải thì hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để xử lý theo quy định.

Các cơ sở y tế không theo cụm, không được đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải rắn y tế nguy hại cho cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.

Khánh Chi