Là tỉnh miền núi, biên giới ở phía Tây Bắc, Sơn La có địa bàn rộng, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Vì vậy, nhận thức về các vấn đề pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên hoạt động trợ giúp pháp lý, nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ông Thào Xuân Nếnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Sơn La đã thành lập Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, chủ trì thực hiện ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện các đề án của Trung ương để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hội đồng đã chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền thông qua tổ chức các hội nghị, lồng ghép vào các buổi họp, giao ban, sinh hoạt đoàn thể; phát tờ rơi, tờ gấp, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ.
Hằng năm, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức khảo sát thực tế tại cơ sở về nhu cầu thông tin, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động để lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm. Biên soạn, phát hành tài liệu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng các thứ tiếng dân tộc trên sóng phát thanh, truyền hình, trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương về phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền chính sách dân tộc.
Từ năm 2021 đến nay, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền về công tác dân tộc, cho hơn 1.200 bí thư, trưởng bản, ban công tác mặt trận và đoàn thể tại các bản đặc biệt khó khăn, thuộc các xã khu vực II, khu vực III về công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo gây mất đoàn kết, an ninh trật tự vùng biên giới; công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn hiện nay.
Tổ chức 11 hội nghị phổ biến pháp luật cho các hội viên phụ nữ, người dân về Luật Bình đẳng giới, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, Luật Cư trú, Luật Biên phòng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy.
Cùng với các hoạt động của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sơn La cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, tham gia giải quyết nhiều vụ việc một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Trung tâm giúp mọi người dân bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật và giúp họ nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật nghiêm minh.
Ông Đặng Văn Quảng, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Sơn La cho biết, nhằm giúp người dân tiếp cận pháp lý và bình đẳng trước pháp luật, những năm qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế trong xã hội…
Cùng với đó, Trung tâm cũng tham gia tố tụng, bào chữa rất nhiều vụ việc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng, giúp cho việc giải quyết các vụ án được công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận và thực hiện hàng trăm vụ việc, số vụ việc tăng dần qua các năm, năm sau tăng hơn năm trước. Được biết, người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hầu hết đều là người nghèo, người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách… cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn chế, nhiều trường hợp không biết chữ và không thông thạo tiếng phổ thông.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý và giảm thời gian và chi phí đi lại, hoạt động tuyên truyền pháp luật thời gian qua đã được triển khai rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trợ giúp pháp lý lưu động tại các địa phương, nhất là tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn.
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Trung tâm Trợ giúp pháp lý còn thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, duy trì đường dây nóng về trợ giúp pháp lý, công bố số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận, liên hệ khi có nhu cầu.