Thực hiện Quyết định số 1723/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp về tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí tiếp cận pháp luật và giao UBND cấp huyện công nhận mô hình điển hình về phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Sở Tư pháp Hà Nội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn về phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và thẩm định, đánh giá mức độ đạt tiêu chí về tiếp cận pháp luật trong tiêu chí chấm xã nông thôn mới nâng cao đối với 46 xã thuộc các huyện, thị xã.
Thời gian qua, công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các cấp ủy Đảng huyện Thường Tín (Hà Nội) quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả đáng ghi nhận.
Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật huyện Thường Tín đã họp đánh giá chấm điểm, trình Chủ tịch UBD huyện công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Sau khi xem xét, đánh giá, UBND huyện đã có Văn bản số 421/QĐ-UBND ngày 9/2/2022 về việc công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022.
Theo đó, UBND huyện công nhận 28 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thường Tín đạt chuẩn tiếp cận năm 2022. Công tác đánh giá đảm bảo nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật.
Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định là công cụ có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm và thực hiện các quyền, lợi ích của người dân trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh tại cơ sở.
Nội dung thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ Tư pháp ban hành Hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Việc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có tác động tích cực đến hoạt động của chính quyền các cấp trên địa bàn. Theo đó, việc rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giúp chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để có giải pháp khắc phục, thực hiện đạt hiệu quả tốt hơn.
Cùng với đó, qua việc tự đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật còn góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước, thực thi nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền cấp xã, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, công chức cấp xã.
Việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng là động lực góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, trong đó có văn hóa pháp luật.
Giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh tại cộng đồng dân cư. Đề cao vai trò của người dân trong quản lý xã hội, góp phần giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội để nông thôn mới phát triển bền vững và toàn diện.
Thông qua việc thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật và thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các tổ chức, cá nhân sẽ được đảm bảo thực hiện quyền của mình, nhất là các nhóm quyền như: Quyền tiếp cận thông tin pháp luật, được bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã đúng quy định…