Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật
Tỉnh miền núi Sơn La có 274,065km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng nước bạn Lào. Dân số toàn tỉnh có khoảng 1,239 triệu người, gồm 12 thành phần dân tộc anh em, sinh sống tại 204 xã/phường/thị trấn, trong đó có 17 xã biên giới và 73 bản giáp biên thuộc địa bàn 6 huyện.
Theo ông Thào Xuân Nếnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, những năm qua, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Sơn La tiếp tục tăng trưởng toàn diện, bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ, phát huy; tình hình an ninh chính trị được giữ vững, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bức xúc xã hội, như các tội phạm liên quan đến ma túy… Cùng với đó, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch thường lợi dụng để lôi kéo, kích động.
Song song với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tích cực, chủ động triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao năng lục tiếp cận pháp luật cho người dân.
Theo đó, tỉnh đã thành lập và duy trì nhiều mô hình phổ biến giáo dục pháp luật, tiêu biểu như các mô hình: “Nhóm liên gia tự quản”, “Tiếng loa Biên phòng”, “Tổ hòa giải”, “Tổ trợ giúp pháp lý”, “Đội tự quản đường biên mốc giới”… Những mô hình này đã tạo sức lan tỏa, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã chủ trì, phối hợp với các ngành và các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác dân tộc; Hội nghị phổ biến cung cấp thông tin cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giúp người dân tiếp cận pháp luật
Thời gian qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Sơn La đã thành lập website http://pbgdpl.sonla.gov.vn. Đây là kênh thông tin chính thống của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; website được liên kết, tích hợp với Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành... nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin về pháp luật.
Bên cạnh đó, Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp thường xuyên đăng tải, cung cấp đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, tin tức, hoạt động, tài liệu pháp luật... Nhiều trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị có các chuyên mục tuyên truyền pháp luật, như: “Phổ biến, giáo dục pháp luật”, “Hỏi - đáp pháp luật”, “Tư vấn hỏi đáp chính sách pháp luật”, “Chính sách thuế”, “Bảo hiểm xã hội”...
Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt việc quản lý, vận hành Cổng thông tin điện tử tỉnh để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mà còn giúp người dân có thể đề đạt các ý kiến, kiến nghị, hỏi đáp pháp luật... và nhận được sự phản hồi kịp thời từ cơ quan Nhà nước.
Khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin, việc tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật qua trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương và trang mạng xã hội cũng được quan tâm. Trong đó, tăng cường giới thiệu văn bản luật mới; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; khuyến khích nhân dân tra cứu thông tin pháp luật qua các kênh nhằm kết nối, chia sẻ thông tin. Nhờ đó, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, góp phần bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Việc sử dụng không gian mạng để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luât đã có tác động tích cực nâng cao ý thức sống, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Với sự đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền trên các website nên tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia, trở thành cầu nối tuyên truyền thực hiện các phong trào, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Từ sự vận dụng linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp định hướng dư luận một cách đúng đắn, nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Phát huy lợi thế công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy người dân tiếp cận pháp luật, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin; khai thác hiệu quả các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng, mạng xã hội.
Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác triệt để lợi thế của công nghệ thông tin, mạng xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm nhằm giúp người dân tiếp cận các chính sách về hỗ trợ pháp lý, cũng như nâng hiểu biết kiến thức pháp luật và tự bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm pháp luật.