Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá xếp loại của tỉnh về chuyển đổi số, huyện Mường La đạt mức trung bình, với 503,9 điểm và xếp cuối cùng trong các huyện, thành phố của tỉnh.

Giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân tại Bộ phận một cửa xã Tạ Bú, huyện Mường La. 

Điểm triển khai chuyển đổi số cấp huyện được tính theo 9 chỉ số chính, gồm nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số và chuyển đổi số cấp xã, tổng điểm của các chỉ số thành phần huyện Mường La chỉ đạt mức trung bình. Nguyên nhân là do người dân ở một số xã vùng III dân trí còn hạn chế, sử dụng sim điện thoại không chính chủ; các bản vùng sâu, vùng xa còn thiếu các trạm BTS và mạng cáp quang.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường La còn 52/195 bản sóng điện thoại yếu, chập chờn, thậm chí có bản chưa có sóng điện thoại. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế và chưa đồng đều; việc giải quyết hồ sơ của công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã còn mất nhiều thời gian...

Tại xã Nậm Giôn, do địa bàn xã vùng III, công tác chuyển đổi số còn nhiều bất cập. Ông Quàng Văn Muôn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, độ phủ sóng điện thoại ở nhiều bản kém, tỷ lệ người dân biết và thực hiện các dịch vụ công ở xã còn hạn chế, thực hiện các thao tác trên điện thoại thông minh chưa tốt, nhiều người còn tâm lý muốn trực tiếp đến UBND xã giải quyết thủ tục hành chính. Mặt khác, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ hoạt động tại bộ phận một cửa thiếu đồng bộ.

Còn tại xã Tạ Bú chỉ cách trung tâm huyện 12 km, song việc triển khai thực hiện chuyển đổi số cũng còn nhiều khó khăn. Ông Lò Văn Bước, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Kỹ năng và thao tác trên môi trường số của người dân còn hạn chế, cán bộ xã phải vừa tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa phải hướng dẫn các thao tác trên điện thoại thông minh.

Xã chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, nên việc vận hành, quản trị các hệ thống và tham mưu ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số còn chậm. Hiện nay, xã còn 5 bản sóng điện thoại yếu, chập chờn.

Quyết tâm gỡ những khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số, huyện Mường La tập trung cải thiện các nội dung, tiêu chí, tăng điểm.

Ông Phùng Mạnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Huyện đang chỉ đạo đơn vị tham mưu xây dựng tiêu chí chấm điểm để đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ với các cơ quan, đơn vị của huyện và cơ quan ngành dọc trong công tác chuyển đổi số; chỉ đạo các xã bố trí công chức thành thạo công nghệ thông tin để tham mưu công tác chuyển đổi số của xã. Đồng thời, đề nghị các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn hỗ trợ dịch vụ internet; phủ sóng 3G, 4G; chuẩn hóa sim điện thoại; phát triển ví điện tử; phát triển tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt...

Bên cạnh đó, huyện tăng cường phối hợp mở lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng; tuyên truyền cho nhân dân hiểu và tham gia thực hiện chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh, hoặc mua sắm hàng hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân đưa sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử.

Tăng cường xã hội hóa phát triển hạ tầng số; trong đó, đề nghị các đơn vị viễn thông xem xét đầu tư, nâng cấp đường truyền cáp quang internet đến các bản; nâng cấp, xây dựng bổ sung trạm BTS tại các bản chưa có sóng điện thoại, sóng điện thoại yếu. 

Với các giải pháp đồng bộ, việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn huyện Mường La đang có chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao năng lực, hiệu lực trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Thủy Ngân (Báo Sơn La)