Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Huy Anh - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Sơn La - khi nói về hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh này tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, sáng 26/12.

Nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân đạt hiệu quả

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Sơn La sớm trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị.

Qua đó, Sơn La đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa Công ty CP Mía đường Sơn La với hơn 10.500 hộ tham gia, diện tích trên 9.200ha; chuỗi liên kết sản xuất giữa Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu với 558 hộ tham gia, 27.790 bò sữa; liên kết sản xuất giữa Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La với 10.700 hộ tham gia, diện tích 20.000ha cà phê Arabica...

Các mô hình đã góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho hội viên nông dân.

son la.jpg
Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Sơn La, tại đại hội (Ảnh: Dân Việt)

Hoạt động của các cấp Hội Nông dân địa phương đã góp phần đưa Sơn La từ một tỉnh nghèo, khó khăn đã vươn lên trở thành "hiện tượng nông nghiệp” của cả nước, đứng thứ hai về diện tích trồng cây ăn quả.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Trong đó, Chính phủ sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia; TƯ Hội Nông dân tập trung đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp gắn với phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị…

Đưa doanh nghiệp tham gia cùng

Đại biểu Hội nông dân tỉnh An Giang cho rằng, phải có giải pháp trí thức hóa nông dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tăng cường hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, từng bước xây dựng thế hệ nông dân thời kỳ mới.

Cùng với đó, vận động các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của hợp tác xã bằng nhiều hình thức như góp vốn, cử nhân sự giỏi quản lý điều hành quản trị hợp tác xã, tư vấn kỹ thuật để từng bước xây dựng, phát triển chuỗi giá trị liên kết ổn định, bền vững. Tạo điều kiện để doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng, là đầu mối đầu tư, quản trị, thiết lập hệ thống và xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường.

Tạo cơ chế liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, bảo vệ quyền và lợi ích của nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, cập nhật, trao đổi thông tin về thị trường giá cả nông sản, thời tiết nông vụ...

bui thi thom.jpg
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII (Ảnh: Phạm Hải)

Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII cũng nhấn mạnh tới mục tiêu tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã...

Theo đó, các cấp hội cần hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đô thị; các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, sản xuất quy mô lớn gắn với quy trình kỹ thuật chuẩn và mã vùng sản xuất.

Thông tin kịp thời cho hội viên, nông dân về những thay đổi của thị trường trong nước và thị trường nhập khẩu nông sản; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản; tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn hội viên nông dân tham gia các sàn thương mại điện tử.